Chị Hồ Thị Thanh (Cầu Giấy- Hà Nội) cho hay, trong tháng 7, hóa đơn nhà chị giảm một nửa so với tháng 6 (từ gần 1,2 triệu đồng xuống chỉ còn khoảng hơn 600.000 đồng). “Chu kỳ tính tiền điện của gia đình nhà tôi từ 10/6 đến 9/7, giai đoạn thời tiết vẫn nắng nóng. Vậy vì sao hóa đơn lại giảm?”, chị thắc mắc.
Đây chỉ là một trong số nhiều độc giả phản ánh về việc hóa đơn tiền điện tháng 7 bất ngờ giảm mạnh. Có trường hợp khách hàng sử dụng điều hòa nhiều hơn, nhưng tiền điện cũng giảm một phần ba, thậm chí một nửa so với tháng trước.
Hóa đơn tháng 7 giảm gần một nửa so với tháng trước. Ảnh: Độc giả cung cấp. |
Chị Nguyễn Ngọc (Cầu Diễn) chia sẻ, tháng này nhà chị dùng điện tốn hơn tháng trước song tiền hóa đơn lại giảm tới 500.000 đồng. Trong khi đó, thời gian sử dụng điều hòa tăng hơn trung bình 4 tiếng mỗi ngày do mẹ và em gái chồng đến chơi. “Cứ ngỡ tháng này hóa đơn phải lên đến 2 triệu đồng, nhưng không ngờ đợt này lại giảm mạnh đến vậy”, chị Ngọc băn khoăn.
Thay vì vui mừng, hóa đơn tiền điện tháng 7 giảm mạnh lại trở thành vấn đề lo lắng của nhiều hộ dân, sau khi họ phải chịu tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba trong tháng 6. Giả thiết ghi sai chỉ số công tơ, thậm chí dồn số điện từ tháng này sang tháng khác, lại được nhiều người đặt ra.
Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) giải thích tháng 7 thời tiết mát mẻ nên khả năng nhiều hộ gia đình ít sử dụng điều hòa. “Đây có thể là nguyên nhân cơ bản khiến hóa đơn tiền điện giảm”, một lãnh đạo của EVN Hà Nội cho hay.
Tuy nhiên, một số khách hàng cho rằng cách giải thích này của ngành điện chưa thỏa đáng. Để đảm bảo nhiệt độ trong phòng ổn định tránh tình trạng nóng lạnh thất thường, một số gia đình cho biết, điều hòa thường đặt chế độ hẹn giờ ở một nhiệt độ nhất định. “Dù thời tiết ngoài trời nóng hay mát, gia đình tôi vẫn luôn cài chế độ ở nhiệt độ 27 độ C và hẹn giờ từ 20h đến 2h sáng. Vậy mà hóa đơn tiên điện lại giảm khoảng 600.000 đồng”, chị Thu nghi vấn.
Nhiều khách hàng cho rằng, việc hóa đơn bất ngờ giảm trong tháng 7 là điều khó hiểu. Một số ý kiến lo ngại nhà đèn sợ áp lực dư luận nên buộc phải tính đúng tính đủ cho khách hàng. Số khác đặt nghi vấn, do tiền điện được tính theo lũy tiến, điện sử dụng càng lớn, tiền đóng càng nhiều nên khả năng ngành điện đang “trích” một phần sản lượng điện tháng 7 để cộng dồn vào tháng 8 để thu được tiền điện nhiều hơn.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo của tổng công ty khẳng định, không có chuyện EVN Hà Nội sợ áp lực dư luận hay chốt sai chỉ số công tơ để cộng dồn vào tháng tới. Bởi hóa đơn tiền điện được thực hiện theo quy đình nghiêm ngặt, đúng quy trình. Sau khi có ý kiến phản hồi của độc giả về việc hóa đơn tiền điện tăng giảm, ngành điện đã đến tận nơi xác minh những trường hợp có địa chỉ cụ thể. “Những trường hợp sai sót chỉ số công tơ, sai trong việc tính hóa đơn tiền điện dẫn đến hóa đơn của khách hàng không đúng với thực tế đều xử lý nghiêm tùy trường hợp”, vị này cho hay.
EVN Hà Nội cũng cho biết ngành đang có lộ trình về việc thay công tơ điện tử để giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm nhân sự đồng thời giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra sản lượng điện tiêu thụ hơn.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lợi (Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) khi nhiệt độ ngoài trời càng cao thì tổn thất nhiệt từ ngoài vào nhà càng lớn, máy điều hòa phải làm việc càng nhiều, điện tiêu tốn càng tăng. Theo thống kê, tháng 6 luôn là tháng nóng nhất trong năm nên điện dùng cho điều hòa và tủ lạnh sẽ tốn nhiều nhất. Tháng 7 nhiều mưa, nhiệt độ giảm điều hòa cũng tốn ít điện hơn. Mùa hè, máy điều hòa làm nhiệm vụ bơm dòng nhiệt thừa từ trong nhà ra ngoài.
Ông phân tích, dòng nhiệt càng lớn thì điện tiêu tốn cho điều hòa càng nhiều. Dòng nhiệt này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chủ yếu do độ chênh nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài nhà. Theo thiết kế, nếu nhiệt độ trong nhà cài đặt là 27 độ C, ngoài nhà là 35 độ C (độ chênh là 8 độ) thì máy điều hòa làm việc liên tục và hết năng suất, tiền điện là 100%. Khi nhiệt độ ngoài nhà giảm xuống 31 độ (độ chênh là 4 độ) thì máy làm việc khoảng nửa thời gian và tiền điện giảm xuống chỉ còn một nửa. “Nếu muốn tiết kiệm điện cho điều hòa có thể dùng thêm quạt và tăng nhiệt độ cài đặt trong nhà lên 28 độ, độ chênh nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời sẽ giảm xuống", ông cho hay..
Nhiều khách hàng cho rằng, để chấm dứt tình trạng hóa đơn điện tăng giảm bất thường, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc điều tra đồng thời có kết luận công khai. Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó trưởng phòng quản lý điện năng Sở Công Thương Hà Nội cho hay, Sở đã đi kiểm tra về việc chốt chỉ số công tơ của ngành điện tạo một số quận huyện có khách hàng thắc mắc. Không tiết lộ cụ thể về nguyên nhân tăng giảm hóa đơn tiền điện bất thường, song ông Thắng khẳng định sẽ “báo cáo với thành ủy Hà Nội trong thời gian sớm nhất”.
Hoàng Lan/Vnexpress