Dân mạng Việt Nam đang kêu trời vì không thể sử dụng được các dịch vụ mạng có máy chủ ở nước ngoài.
Trong ngày hôm nay, chúng tôi đã ghi nhận khá nhiều phản hồi từ người dùng trong nước về việc tốc độ truyền tải các trang web quốc tế trở nên rất chậm chạp.
Cụ thể, YouTube và Twitch.tv gần như không thể sử dụng từ các đường truyền mạng cáp quang tại Việt Nam. Chúng tôi đã thử đo tốc độ Internet bằng công cụ Speedtest tại máy chủ trong nước, không có bất cứ vấn đề gì, nhưng việc truy cập các dịch vụ nói trên là vô cùng chậm chạp.
Vấn đề được báo cáo bởi nhiều người dùng, sử dụng dịch vụ internet của nhiều nhà cung cấp khác nhau và đều gặp tình trạng nói trên. Ngay cả khi chơi các game online có server đặt tại Singapore hay Hong Kong cũng gặp phải hiện tượng ping cao, độ trễ lớn khi chơi.
Nhiều người đặt ra giả thiết về việc cáp quang AAG lại gặp trục trặc. Chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về vấn đề này, tuy nhiên một số người dùng sau khi liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà cung cấp dịch vụ mạng cũng nhận được lời giải thích là nguyên nhân tới từ tuyến cáp AAG.
Trong trường hợp cáp AAG thực sự có vấn đề, đây sẽ là lần thứ 2 trong chưa đầy 2 tháng tuyến cáp này phải sửa chữa. Người dùng mạng tại Việt Nam sẽ lại bị ảnh hưởng trong những ngày tới khi tốc độ truy cập mạng quốc tế quá chậm
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này trong các bài viết tiếp theo.
Update: Cáp quang biển đứt, Internet Việt Nam bị ảnh hưởng
Đại diện một nhà mạng cho biết, trong thời gian tới việc truy cập Internet đi quốc tế từ Việt Nam thông qua tuyến cáp quang AAG có thể bị ảnh hưởng. Công tác khắc phục sẽ gặp nhiều khó khăn do thời tiết hiện nay không thuận lợi. Hiện một số nhà mạng đã định tuyến chuyển bớt lưu lượng sang tuyến cáp khác.
AAG là hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, được đi vào hoạt động từ năm 2009. Tuyến này kết nối khu vực Đông Nam Á với bờ tây nước Mỹ, đi qua Thái Bình Dương và các đảo Guam và Hawaii. Có 4 công ty Việt Nam đầu tư dự án này gồm FPT Telecom, Viettel, VNPT, SPT, trong tổng số 19 công ty cùng xây dựng.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, AAG đã bị đứt ít nhất ba lần. Tháng 3 và 6/2016, tuyến cáp quang này cũng gặp sự cố khiến cho việc truy cập Internet đi quốc tế gặp nhiều khó khăn và hưởng nhiều đến người dùng bởi đây là tuyến Internet quốc tế chủ yếu của Việt Nam hiện nay.
Theo Genk
Mời bạn xem thêm:
Cáp quang AAG lại bảo trì, Internet quốc tế chậm 5 ngày
Thời gian sửa chữa cáp quang biển AAG bị chậm 9 ngày
Cá mập được “minh oan” vụ cắn cáp quang biển