Vẫn được biết tới là những ứng dụng giúp người dùng smartphone có khả năng nhắn tin miễn phí, các phần mềm OTT ngày một được người dùng ưa chuộng hơn.
Năm 2013 là một năm bùng nổ và cạnh tranh không ngừng nghỉ của phân khúc ứng dụng nhắn tin OTT khi các hãng liên tục tung ra các gói quảng bá sản phẩm phong phú không khỏi làm người dùng choáng váng khi chọn cho mình một dịch vụ để gắn bó. Những tưởng năm 2014, thị trường sẽ bắt đầu bão hòa thì ngay đầu năm ông lớn mạng xã hội Facebook lại làm nóng sân chơi với động thái mua lại WhatsApp cùng mức giá trên trời 19 tỷ USD hay như việc ứng dụng khá phổ biến Viber cũng về tay một đại gia Nhật Bản.
Tại thị trường Việt Nam cũng chứng kiến sự phổ biến ngày càng tăng tiến của các ứng dụng nhắn tin OTT và một vài cái tên mới xuất hiện tranh giành miếng bánh thị phần từ đầu năm đến nay.
Nhìn lại cục diện sân chơi ứng dụng nhắn tin trên phạm vi toàn cầu, đâu là ứng dụng đang có lượng người dùng lớn nhất?
1. WhatsApp (Hoa Kỳ)
Với 450 triệu người dùng hàng tháng, WhatsApp hiện đang được đánh giá là ứng dụng nhắn tin có nhiều người dùng nhất trên phạm vi toàn thế giới. Mặc dù hiện nay đã về tay ông lớn Facebook, WhatsApp vẫn hoạt động như một ứng dụng độc lập. Theo đó, nó đã có mặt trên tổng cộng 5 nền tảng di động là iOS, Android, Windows Phone, BlackBerry và Symbian.
2. Viber (Cộng hòa Síp)
Hiện nay, Viber đang nắm trong tay khoảng 300 triệu người dùng đăng ký. Tháng 2 vừa qua, ứng dụng nhắn tin này đã chính thức được công ty dịch vụ Internet và thương mại điện tử Nhật Bản Rakuten mua lại với mức giá 900 triệu USD. Trước đó cũng có thông tin cho rằng Tập đoàn Viettel đang có ý định mua lại ứng dụng này nhưng lại chậm chân và để tuột mất cơ hội. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ một nhân viên cấp cao của hãng, Viettel chưa hề có ý định mua Viber.
3. WeChat (Trung Quốc)
WeChat thuộc sự quản lý của Tencent, một trong những ông lớn làng Internet Trung Quốc và theo thống kê, lượng người dùng ứng dụng này hàng tháng đã cán mốc 450 triệu kể từ khi được thành lập năm 2010. Trước đây, WeChat khá phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên,ứng dụng này dần để mất vị thế do vướng phải một số sự vụ không hay về bản đồ số tích hợp.
4. Line (Nhật Bản)
Là một trong những ứng dụng cực kì chú ý vào việc phát triển những bộ sticker dễ thương, thân thiện và bắt mắt, Line đang có 350 triệu người dùng đăng ký.
5. KakaoTalk (Hàn Quốc)
Ứng dụng nhắn tin đến từ Hàn Quốc KakaoTalk hiện đang có hơn 100 triệu người dùng đăng ký. Trong năm 2013, KakaoTalk có thỏa thuận chính thức hợp tác cùng Evernote với mong muốn tích hợp dịch vụ phổ biến này vào ứng dụng di động KakaoTalk.
6. Kik (Canada)
Một điều khá thú vị về Kik đó là nó là một sản phẩm được viết bởi một nhóm sinh viên trường Đại học Waterloo vào năm 2009. Hiện nay ứng dụng này ước tính có khoảng 130 triệu người dùng đăng ký cùng hơn 200.000 lượt đăng ký mới mỗi ngày.
7. Tango (Hoa Kỳ)
Ứng dụng ra đời từ thung lũng công nghệ Silicon Tango hiện đang được sử dụng trên phạm vi 224 nước và theo phát ngôn viên hãng này, Tango đã chạm ngưỡng 190 triệu người dùng đăng ký và đang tiếp tục có tốc độ tăng trưởng khả quan.
8. Nimbuzz (Ấn Độ)
Có trụ sở chính đặt tại Gurgaon, Ấn Độ, Nimbuzz hiện có 150 triệu người dùng đăng ký. Ứng dụng này là ứng dụng có tuổi đời “già” nhất trong số 10 cái tên được liệt kê tại đây. Cụ thể, nó ra đời năm 2006.
9. hike (Ấn Độ)
Hiện đang sở hữu 15 triệu người dùng đăng ký, hike có 60% lượng người dùng đến từ nội địa, 40% còn lại đến từ các nước Châu Âu và Trung Đông.
10. MessageMe (Hoa Kỳ)
Sinh ra ở San Francisco, ứng dụng này được thành lập năm 2012 với mục tiêu làm phong phú các đoạn hội thoại trong kỉ nguyên số bằng nhiều bộ sticker, ảnh và nhạc. MessageMe hiện đang có 5 triệu người dùng đăng ký.
Theo Trí Thức Trẻ