Học sinh trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) trong một tiết học - Ảnh: Nguyên Mi
BBC dẫn lời ông Andreas Schleicher, người phụ trách các kỳ thi PISA của OECD, đánh giá kết quả kiểm tra của học sinh Việt Nam vào hạng “sao”.
Việt Nam đã lọt vào danh sách 10 quốc gia có khả năng khoa học tốt nhất thế giới, vượt qua rất nhiều quốc gia phương Tây có nền giáo dục lớn mạnh như Mỹ, BBC nhận định.
Trong báo cáo xếp hạng về giáo dục của OECD, các quốc gia châu Á chiếm nhiều thứ hạng đầu; trong đó, học sinh Thượng Hải (Trung Quốc) một lần nữa đứng đầu về toán học, khoa học và khả năng đọc.
Báo cáo công bố ba năm/lần của OECD dựa theo các cuộc khảo sát trên hơn 500.000 học sinh ở độ tuổi 15 tại 65 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong báo cáo lần này, học sinh Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan và Hàn Quốc chiếm năm thứ hạng đầu về trình độ toán học.
Kiểm tra PISA là nghiên cứu lớn nhất về trình độ học sinh toàn cầu và được ví như giải World Cup của giáo dục.
Theo kết quả đánh giá, học sinh Thượng Hải có khả năng vượt trội hơn đến ba năm học so với các học sinh cùng trang lứa có điểm số trung bình, bao gồm cả những cường quốc như Anh và Pháp.
Do không có đủ dữ liệu về học sinh toàn Trung Quốc, nên báo cáo kỳ này của OECD chỉ bao gồm một số vùng có kinh tế phát triển nhất nước này.
Danh sách 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có điểm số về khoa học cao nhất thế giới
|
PISA là gì?
PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá hiệu quả và chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.
Từ tháng 3.2010, Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động triển khai PISA. Sau hơn một năm chuẩn bị, tháng 5.2011, Việt Nam đã tiến hành khảo sát thử nghiệm PISA tại 40 cơ sở giáo dục thuộc chín tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định.