Vào tối 15/7, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thông báo hoạt động thăm dò dầu khí của giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam kết thúc.
Theo Tân Hoa Xã, giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc triển khai trái phép để thăm dò tài nguyên ở vùng biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa đã kết thúc nhiệm vụ vào ngày 15/7. Công ty TNHH Dịch vụ dầu mỏ trên biển Trung Quốc (COSL), đơn vị vận hành Hải Dương 981, sẽ đưa nó về khu vực Lăng Thủy, đảo Hải Nam.
Theo Tuổi Trẻ, vào lúc 4h sáng 16/7, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển cách vị trí ban đầu khoảng 20 hải lý theo hướng đông - đông bắc. Vận tốc di chuyển trung bình vào khoảng 4,1 hải lý/giờ.
Từ khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào đầu tháng 5/2014, Hải Dương 981 đã đào hai giếng. Giai đoạn 1 kết thúc ngày 27/5 và giai đoạn 2 kết thúc ngày 15/7. Thông báo của CNPC khẳng định giàn khoan tìm thấy dấu hiệu của mỏ khí đốt và dầu khí trong khu vực mà nó hoạt động.
[Giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Reuters]
Ông Wang Zhen, Phó giám đốc Văn phòng nghiên cứu chính sách CNPC, nói với Tân Hoa Xã rằng các phân tích sơ bộ về dữ liệu địa chất cho thấy những điều kiện cơ bản và khả năng để khai thác dầu khí tại khu vực mà Hải Dương 981 hoạt động. Tuy nhiên, thử nghiệm khai thác chỉ có thể diễn ra sau khi quá trình đánh giá toàn diện các dữ liệu hoàn tất. Yếu tố thời tiết cũng là nguyên nhân CNPC chưa thử nghiệm khai thác, do tháng 7 là khoảng thời gian mùa mưa bão bắt đầu. Tân Hoa Xã dẫn lời một chuyên gia địa chất dầu khí thuộc Viện Kỹ thuật Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh rút giàn khoan để bảo vệ an toàn tính mạng cho công nhân Trung Quốc đang làm việc trên giàn khoan, cũng như trang thiết bị của nó trong thời điểm mùa bão đang bắt đầu ở Biển Đông.
Trung Quốc rút giàn khoan 981 sau 2,5 tháng hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: Vietnam Plus
Ngày 15/7, Cục Kiểm ngư Việt Nam thông báo Trung Quốc duy trì khoảng 70-75 tàu tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, bao gồm 32-34 tàu hải cảnh, 17-18 tàu vận tải, 16-18 tàu kéo, 5 tàu quân sự. Toàn bộ tàu cá Trung Quốc đã di chuyển về khu vực đảo Hải Nam do sợ ảnh hưởng của bão Thần Sấm (Rammasun). Lực lượng Kiểm ngư cũng xác nhận ngư dân Việt Nam vẫn đánh bắt trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, cách giàn khoan 34-39 hải lý. Trên khu vực tàu cá Việt Nam đánh bắt, tàu hải cảnh 31101 của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn chặn, không cho các tàu cá của ta tiến vào gần khu vực giàn khoan. Dưới sự hỗ trợ của tàu kiểm ngư, các tàu cá vẫn bám ngư trường.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) khẳng định, giàn khoan Hải Dương 981 có chế độ ổn định rung lắc khá tốt nên không phải vì bão mà Trung Quốc rút. Theo tướng Cương, hành động rút giàn khoan 981 thực sự nằm trong chiến lược, kế hoạch của Trung Quốc chứ không phải do bão hay do Nghị quyết mới đây của Mỹ về yêu cầu trả nguyên hiện trạng Biển Đông như trước khi họ hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam. Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an lo ngại, giai đoạn tiếp theo mới là nguy hiểm vì họ sẽ kéo giàn khoan khác vào đây thế chỗ giàn khoan 981. “Đừng nghĩ Trung Quốc rút nghĩa là bỏ chạy. Trung Quốc có thể sẽ kéo một giàn khoan khác nhỏ hơn, hiệu quả hơn hoặc thậm chí kéo 2-3 giàn khoan cùng một lúc và có thể ký hợp đồng với nước ngoài cùng khai thác dầu khí”, tướng Cương lo ngại. Ông cũng cho rằng, lúc đó mới lo ngại hơn bởi sẽ có hàng trăm tàu cá dưới sự bảo vệ của tàu Hải cảnh, Hải giám, Trung Quốc chiếm lĩnh biển Đông thật sự. “Lúc đó ta mới chính thức bị mất biển Đông”, tướng Cương nêu nhận định. Cách đây 2 tháng thiếu tướng Lê Văn Cương đã dự đoán Trung Quốc sẽ tự động rút giàn khoan 981 với lý do đơn giản là: nhiệm vụ thăm dò dầu khí đã xong. Sau 2,5 tháng kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã đào hai giếng ở 2 vị trí khác nhau và khẳng định đã tìm thấy dấu hiệu mỏ khí đốt và dầu khí. Nguyễn Vũ/Zing |
Minh Anh/Zing