CrashDetech là một ứng dụng smartphone có thể phát hiện tai nạn giao thông, xác định chính xác vị trí của người gặp nạn và gọi cho trung tâm hỗ trợ để họ điều động xe cấp cứu gần nhất tới nơi xảy ra tai nạn.
Theo số liệu thống kê từ tổ chức An toàn đường bộ Toàn cầu, cứ 30 giây lại có một người chết do tai nạn đường bộ. Như vậy, trung bình số người chết mỗi ngày là 3.400 người và 1,25 triệu người mỗi năm.
Một thông tin khác đáng chú ý hơn là của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng đến 90% các trường hợp tử vong liên quan đến đường bộ xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình và thấp mặc dù những quốc gia này chỉ sở hữu một nửa số phương tiện đường bộ trên thế giới.
Theo Chương trình Đánh giá đường bộ quốc tế (iRAP), đây là một "bi kịch" đã tiêu tốn đến 5% GDP của một số quốc gia.
Vấn đề này nghiêm trọng đến nỗi Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố giai đoạn 2011-2020 là "Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ" với hơn 100 quốc gia cam kết giảm thiểu tai nạn xe hơi gây chết người. Một số nước có tỷ lệ tử vong cao nhất là ở châu Phi. Theo báo cáo về an toàn đường bộ của WHO, Libya đứng đầu với 73 trường hợp tử vong trên 100.000 người, tiếp theo là Thái Lan (36/100.000) và Malawi (35/100.000).
Mới đây, một công ty ở Nam Phi đã thiết kế một hệ thống mà họ tin rằng có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn đường bộ.
Theo trang CNN, CrashDetech là ứng dụng được thiết kế bởi Jaco Gerrits. Nó hoạt động khi người dùng đang lái xe và phát hiện các chuyển động đột ngột và lực G của một vụ tai nạn xe hơi.
Sau đó, CrashDetech sẽ xác định chính xác vị trí của vụ tai nạn và tự động gọi trung tâm phản hồi khẩn cấp. Bộ phận này sẽ cử các đội cấp cứu y tế gần nhất đến để hỗ trợ.
Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng cung cấp những thông tin về sức khỏe cá nhân của người dùng (như nhóm máu) để giúp các bác sĩ và nhân viên y tế tiến hành điều trị đạt hiệu quả tốt hơn. Mục đích chủ yếu của CrashDetech là giảm thời gian chờ đợi và vì thế hy vọng sẽ cứu sống được nhiều người hơn.
Ở Nam Phi, WHO ước tính có khoảng 38 người chết do tai nạn giao thông mỗi ngày.
Gerrits cho biết: "Đây là một vấn đề y tế công cộng mang tính chất toàn cầu. WHO đã xác định rằng có tín hiệu phản hồi gần như ngay lập tức về một vụ tai nạn có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong việc cứu sống nạn nhân".
Giả dụ một ai đó gặp tai nạn ở vùng hẻo lánh và bị văng xa khỏi đường. Do có ít người qua lại nên sẽ rất khó để nạn nhân được phát hiện ra sớm và tồi tệ hơn, người đó có thể đã bất tỉnh. Nếu không được phát hiện kịp thời, điều này sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của họ.
Theo Tiến sĩ Pieter Venter của tổ chức An toàn đường bộ toàn cầu, CrashDetech là một dự án khởi nghiệp rất có tiềm năng và cần được đầu tư hơn nữa để có thể phát triển rộng rãi.
Venter cho biết: "Một số nhà cung cấp các dịch vụ tương tự đã xuất hiện tại Nam Phi và nhiều nơi khác trên thế giới. Điều này củng cố thêm niềm tin rằng CrashDetech sẽ trở thành công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cứu sống nạn nhân trong tai nạn đường bộ".
Tuy nhiên Venter cũng nhấn mạnh rằng thay đổi ý thức của người tham gia giao thông trong việc thắt dây an toàn và nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của việc lái xe khi say rượu cũng là những yếu tố quan trọng giúp giảm tỷ lệ tử vong tại Nam Phi.
Ngoài ra, một trong những tính năng tuyệt vời của ứng dụng này là đã tích hợp 113 nhà cung cấp y tế khẩn cấp ở Nam Phi. Điều này có nghĩa là người dùng sẽ có cơ hội liên hệ với xe cứu thương ở gần nhất.
"Bạn có thể gọi cho một xe cứu thương cụ thể nhưng biết đâu họ lại đang ở cách xa bạn nửa giờ đi đường".
Ra mắt cách đây sáu tháng, ứng dụng CrashDetech đã có hơn 3.000 người đăng ký sử dụng.
Tuy nhiên nhờ vào kế hoạch phân phối hiệu quả, Gerrits tiết lộ CrashDetech hiện đã có 7.000 người dùng trong một tháng.
"Mới đây, chúng tôi đã ký kết một thỏa thuận cấp phép và sẽ có đến 500.000 người đăng ký trong năm tới".
Dự án khởi nghiệp của Gerrits cũng hợp tác với Mobilium, một nhà cung cấp các ứng dụng chuyên biệt trong lĩnh vực y tế. Theo đó, Mobilium sẽ cấp phép để CrashDetech có thể sử dụng công nghệ của mình trong ứng dụng y tế hiện có.
Bên cạnh khách hàng cá nhân, ứng dụng của Gerrits cũng đang hướng tới những công ty lớn như một lợi ích dành cho nhân viên. Do có tính năng theo dõi và ghi lại thông tin của mỗi cuộc hành trình, CrashDetech cũng là một công cụ hữu ích để xác định công tác phí của nhân viên.
Dù đến nay vẫn chưa xử lý bất kỳ tai nạn nào nhưng Gerrits cho biết CrashDetech đã phản hồi một cách hiệu quả trong những tình huống y tế khẩn cấp.
Ở thời điểm hiện tại, Gerrits đang lên kế hoạch để ra mắt một dịch vụ bổ sung tại quê nhà. Đây là một dự án mới phục vụ cho đại đa số người dân Nam Phi không có bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Gerrits cũng đang thảo luận với các đối tác tiềm năng ở Zambia, Uganda, Guatemala và Úc và hy vọng sẽ sớm có thể phát triển công nghệ của mình tại Mỹ.
Theo Vnreview
Mời bạn xem thêm:
Cách nhận biết điện thoại bạn có bị cài ứng dụng nghe lén hay không
20 ứng dụng đơn giản cực cool tại nhà
Tổng hợp những ứng dụng hot nhất 2016 cho kính thực tế ảo