Các nhà khoa học đã chế tạo thành công một loại vải giúp con người có thể chống lại sự khắc nghiệt khi nhiệt độ toàn cầu ngày càng gia tăng nhanh chóng. Khi may thành quần áo, chúng sẽ giúp cơ thể của bạn thoát nhiệt tốt hơn hẳn so với các loại vải thông thường.
Tác giả của công trình nghiên cứu này là các kĩ sư đến từ Đại học Stanford. Họ đã tạo ra một loại vải sử dụng công nghệ nano không những cho phép cơ thể thoát nhiệt và thoát ẩm tốt hơn mà còn giúp bức xạ hồng ngoại thoát ra dễ dàng. Kết quả cho thấy, những người mặc loại vải này sẽ cảm thấy mát hơn 2,7 độ C so với khi mặc quần áo bằng sợi bông và mát hơn 2,1 độ C so với khi mặc quần áo làm từ sợi tổng hợp.
"Quần áo làm từ vải siêu mát không những giúp cho con người thích nghi với nhiệt độ môi trường đang ngày càng nóng lên theo thời gian mà còn giúp tiết kiệm năng lượng phục vụ cho hoạt động làm mát của con người", theo lời của nhà nghiên cứu Yi Cui, một giáo sư về vật liệu và kỹ thuật, đồng tác giả của công trình nghiên cứu.
"Mục đích cuối cùng mà chúng tôi hướng đến là quần áo có khả điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của con người phù hợp với sở thích của từng cá nhân", Cui nói. Loại vải này đã được cải tiến tính thoát ẩm và thoát nhiệt đến mức tối đa. "Vấn đề còn lại là đào thải được toàn bộ lượng bức xạ hồng ngoại ra khỏi cơ thể", Cui cho biết.
Việc chế tạo một loại vật liệu có tính giữ nhiệt là khá dễ dàng, nhưng để chế tạo một loại vật liệu có thể thoát nhiệt lại rất khó khăn. Một số loại nhựa như polyethylene có thể cho phép bức xạ hồng ngoại thoát khỏi cơ thể rất tốt. Vấn đề nằm ở chỗ nó có tính trong suốt. Điều này có nghĩa là bạn có thể nhìn xuyên qua quần áo làm từ polyethylene và thấy hết cơ thể bên trong.
Vì vậy, đội ngũ kỹ sư đã tiến hành nghiên cứu để thay đổi kích thước khe hở của vật liệu, đồng thời thêm các hóa chất khác để nó mất đi tính trong suốt, cho phép hơi nóng và hơi ẩm thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, giá thành của loại vật liệu này rẻ hơn nhiều so với bông. Nhưng khi sản xuất, vật liệu này lại quá phẳng nên các nhà khoa học phải tạo ra trên bề mặt của chúng những chi tiết sợi vải để chúng trông giống như vải thường. Theo ông Cui thì khi chạm vào, bạn sẽ cảm thấy nó rất mềm.
Cấu trúc các lỗ rất nhỏ trong nhựa polyethylene.
Các rào cản đạo đức y học không cho phép loại vải này được tiến hành thử nghiệm rộng rãi trên người với quy mô lớn. Nên các nhà khoa học ước tính sẽ còn phải mất thêm khoảng 3 năm nữa để vải siêu mát có thể được đưa vào sản xuất hàng loạt. Mọi người có thể mua và mặc nó.
"Có rất nhiều yếu tố liên quan đến khả năng tương thích và cảm nhận của da đối với loại vải này vẫn còn cần được nghiên cứu thêm. Bao gồm tính chất giặt ủi, độ bền, khả năng tương thích với các màu nhuộm và liệu chúng có gây dị ứng da hay không. Ý tưởng thay thế các loại vải như cotton đã được con người sử dụng từ hơn 8.000 năm là khá táo bạo và phải mất một khoảng thời gian dài ý tưởng này mới thành hiện thực", Yogendra Joshi, một giáo sư về kỹ thuật cơ khí tại Viện Công nghệ Georgia cho biết.
Tuy vẫn chưa được đưa vào sử dụng trong thực tế nhưng loại vải siêu mát này hứa hẹn một thị trường tiêu thụ rất lớn.
Tổng hợp
Mời bạn xem thêm:
Giật mình với các loại vải may chế tạo từ nguyên liệu bá đạo
Tuyệt phẩm huyền ảo bằng việc đổ sơn và nhựa cây lên tấm vải dù
Độc đáo xe hơi làm từ vải