Bộ trưởng Bộ KHCN đã thực hiện lặn thử nghiệm với “tàu ngầm” mini Hòa Bình do Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin thực hiện
Tàu lặn Hòa Bình bắt đầu xuống nước |
Ngày 21/9/2014, tại Nhà máy đóng tàu Cam Ranh (thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa), Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin đã tổ chức buổi kiểm tra thử nghiệm tàu lặn cỡ nhỏ mang tên Hòa Bình. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã trực tiếp tham gia buổi thử nghiệm này.
Tàu lặn cỡ nhỏ Hòa Bình được thử nghiệm trong điều kiện sóng cấp 3, độ sâu 15m. Các hạng mục thử nghiệm gồm có lặn ở chế độ đứng tại chỗ, di chuyển, quay vòng, lặn nổi liên tiếp.
Được biết, tàu lặn cỡ nhỏ Hòa Bình sẽ được đăng kiểm do cơ quan đăng kiểm GL của CHLB Đức giám sát. Cuộc thử nghiệm ngày 21/9/2014 là bước cuối cùng để đăng kiểm cấp chứng chỉ an toàn kỹ thuật cho hoạt động của tàu.
Tàu lặn cỡ nhỏ Hòa Bình |
Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam về tàu lặn loại nhỏ. Ban đầu do Kỹ sư Trần Kế Đạt, tốt nghiệp Đại học Hàng hải Hải Phòng, lấy ý tưởng từ tàu lặn Nemo của Đức. Sau đó nhóm cộng sự đứng đầu là ông Bùi Xuân Dũng của công ty nêu trên cùng nghiên cứu, thay đổi cho thiết kế này trở thành phù hợp với Việt Nam.
Tàu lặn Hòa Bình được thiết kế theo quy phạm tàu ngầm của Cộng hòa Liên bang Đức, chiều dài 6,63 m, chiều cao 2,74m, tốc độ di chuyển 4,5 hải lý/giờ, thời gian lặn 24h, độ sâu lặn 50m, số lượng thuyền viên 4 người.
Kinh phí đầu tư của dự án là 25,5 tỷ đồng. Theo đánh giá của chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình - Viện Khoa học biển TP Hồ Chí Minh, thành viên Hiệp hội đóng tàu Mỹ, thì số tiền này khoảng trên 1 triệu USD, bằng với mức giá của một thiết bị lặn tương đương của phương Tây.
Ông Đỗ Thái Bình cho biết thêm, những thiết bị lặn thế này sẽ có rất nhiều tác dụng trong việc phục vụ thương mại, dân sự từ tìm kiếm cứu nạn, thăm dò, ngư nghiệp, huấn luyện...
Bộ trưởng Nguyễn Quân bước vào khoang lái của tàu Hòa Bình |
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết trên tờ Tiền phong, ông đã theo dõi quá trình thiết kế chế tạo con tàu ngay từ đầu, hoàn toàn tin tưởng vào năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật thiết kế và vận hành con tàu này.
Ông rất yên tâm, vui mừng khi được cùng anh em thử nghiệm, và đánh giá dự án đã thành công. Con tàu này mới là thiết kế bước đầu, trong tương lai tàu có thể hiện đại và đa năng hơn, có thể sử dụng nó ở những lĩnh vực tương đối đơn giản như du lịch, kiểm tra giàn khoan, kiểm tra đáy biển.
Theo ông Bùi Xuân Dũng, Phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin, sản phẩm về cơ bản đã hoàn thành theo mục tiêu của Bộ KHCN đưa ra. Hiện nay, tàu đã đạt được tiêu chuần của đăng kiểm, công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện để rút kinh nghiệm cho những tàu sau.
Tàu này còn phải qua bước đăng ký để vận hành và nghiệm thu đề tài cấp nhà nước, nhưng công ty đã có phương án cho loại tàu khác, chuẩn bị ra đời các seri khác như tàu du lịch, và có lẽ sẽ ra sớm tàu du lịch chở nhiều người hơn.
Một số hình ảnh khác trong cuộc thử nghiệm
Tàu lặn được đưa xuống biển |
Thử nghiệm di chuyển nổi |
Tàu bắt đầu lặn |
Tàu lặn Hòa Bình di chuyển ra khu vực thử nghiệm
Theo Infonet Mời bạn xem thêm: Tàu ngầm Yết Kiêu sẽ sản xuất và lắp đặt tại Malaysia
|