Vũ khí nào đã bắn hạ MH-17, giết hại 295 người?

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Sớm hôm nay, ngày 18/7, chuyến bay MH-17 của hãng hàng không Malaysia bay từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur đã bị bắn rơi trên bầu trời Đông Ukraine, giết hại tất cả 295 người trên máy bay.

Chiếc máy bay dân dụng chở 295 con người chỉ còn là đống đổ nát do bị bắn hạ sáng sớm nay

Cập nhật: Malaysia Airlines đã ra thông cáo chính thức xác nhận có 298 người trên máy bay (cả phi hành đoàn) thay vì con số ban đầu là 295 người. Hãng này cho biết MH-17 đã bị mất liên lạc với mặt đất cách biên giới Nga - Ukraine khoảng 50 km.

Như chúng ta đã biết, sau khi tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich bị lật đổ và Crimea ly khai Ukraine để sáp nhập với Nga, phong trào ly khai có vũ trang đã lan rộng ở miền Đông Ukraine, tập trung ở thành phố Donetsk. Những người nổi dậy Donetsk - với sự giúp đỡ từ nước ngoài, đã bắn hạ vài máy bay quân sự Ukraine.

Giờ đây, một chuyến bay dân sự chở gần 300 người đã bị bắn hạ. Lãnh đạo quân ly khai khẳng định họ không bắn rơi MH-17, còn chính phủ Ukraine khẳng định quân ly khai đã làm việc này. Tổng thống Mỹ và Nga cũng đã điện đàm nội dung liên quan đến vụ bắn rơi MH-17.

Trước đó, quân nổi dậy Donetsk đã sử dụng hệ thống phòng không di động vác vai Man Portable Air Defense Systems (MANPADS) để bắn hạ các máy bay trực thăng tấn công, máy bay vận tải quân sự, máy bay do thám... của quân đội Ukraine. Nhưng trong trường hợp này, thay vì MANPADS, có vẻ như một tên lửa đối không lớn hơn đã bắn hạ chuyến bay MH-17. Chuyến bay dân sự này bị bắn rơi gần một sân bay.

Máy bay trực thăng quân sự Hind (theo tên gọi của NATO, còn tên tiếng Nga là Mil Mi-24) từng bị bắn rơi không thể bay cao quá 15.000 feet (khoảng 4,5 km) và thường hoạt động ở độ cao chưa đến một nửa độ cao đó. Còn một chiếc Antonov An-30 có thể bay cao hơn nhưng ở thời điểm nó bị bắn rơi, nó đang bay ở độ cao thấp đủ để một tên lửa đối không bắn trúng mục tiêu.

Bộ binh bắn máy bay là chuyện xưa như việc sử dụng máy bay trong chiến tranh nhưng tên lửa đối không cho lính đánh bộ chỉ thực sự bắt đầu có từ những năm 1950 với tên lửa Red Eye của Mỹ. Red Eye có thể bắn trúng mục tiêu cách đó gần 3 dặm (khoảng 4,8 km) nhưng chỉ khi mục tiêu bay ở độ cao dưới 9000 feet (khoảng 2,7 km). Kể từ đó, các quốc gia đã phát triển nhiều hệ thống MANPADS mới hơn, "tốt" hơn nhưng hạn chế cơ bản vẫn là: Tầm bay của mục tiêu quá cao.

MANPADS vẫn là vũ khí nhỏ chết người. Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính hiện có hơn 500 nghìn vũ khí loại này trên thế giới và nếu nó khai hỏa gần một sân bay, nó có thể gây ra thiệt hại rất lớn cả về vật chất lẫn tính mạng con người.

Như đã nói ở trên, hạn chế của MANPADS là tầm cao bị giới hạn. Khi bị bắn rơi, MH-17 đang bay ở độ cao 33.000 feet (hơn 10 km), quá xa so với tầm với của một tên lửa vác vai.

Hệ thống tên lửa Buk

Thông tin ban đầu từ một nhà tư vấn cho Bộ trưởng nội vụ Ukraine, ông Anton Gerashenko, là MH-17 bị bắn hạ bởi một tên lửa từ bệ phóng tên lửa Buk. Thông tin này chưa được kiểm chứng nhưng các nhà quan sát đều cho rằng, ở tầm bay cao như vậy, MH-17 chắc chắn không phải do tên lửa vác vai bắn hạ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin thêm liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, việc bắn hạ máy bay chở hành khách là hành động vô nhân đạo và không thể chấp nhận được ở thế kỷ 21 này!

 

Theo Popsci

Mời bạn xem thêm:

Máy bay Malaysia chở 295 người rơi ở Ukraine
Máy bay Malaysia bị tên lửa bắn ở Ukraine, 298 người chết

   
Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo