Bước ngoặt lớn của cô bé khiếm thị
Sinh ra mắc căn bệnh thoái hóa võng mạc, đôi mắt mờ dần đi và giờ Giang gần như chỉ phân biệt sáng tối (thị lực 0,25/10), chưa kể bị rung giật nhãn câu.
Từ lúc còn ẵm ngửa đến hết tiểu học hầu như ngày nào Giang cùng mẹ đến bệnh viện để tập mắt, khám hay mổ mắt kéo lác.
Bố mẹ chạy chữa khắp nơi, đông tây y đủ cả nhưng đến đâu cũng nhận được câu trả lời: “Không thể chữa trị được”. Năm 2001, Giang chuyển vào học trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
Giang tâm sự, lên 7 tuổi em vẫn nhớ lần mổ mắt kéo lác. “Mỗi lần thay băng mắt như bóc từng miếng da ở mắt. Đau lắm nhưng em không khóc! Khi mở mắt ra là thấy 1 thành 2 người”, Giang tâm sự.
Với đôi mắt chỉ thấy 1/10, bước vào lớp 1 Giang vẫn học hòa nhập cùng các bạn sáng mắt, học chữ bình thường nhưng mỗi lần đọc sách em phải đeo kính “khủng”, cộng thêm cầm 1 chiếc kính lúp trên tay. “Đa phần em viết chữ theo cảm giác” – Giang tâm sự.
Lên đến cấp 2, Giang bị “sốc” khi đôi mắt không còn thấy rõ chữ. Đang từ việc dùng đủ loại kính để đọc sách, Giang phải làm quen với bóng tối, học chữ nổi giống các bạn khiếm thị.
“Các bạn ấy đã giúp em học chữ nổi, định hướng trong bóng tối và tự phục vụ bản thân như thế nào. Môi trường học tập mới, thầy cô bạn bè lạ lẫm khiến cho việc học hành của em sa sút, thậm tệ.
Lúc đó em suy sụp, không nói chuyện với ai mà ngồi trong phòng lắng nghe các bạn trò chuyện. Em mất niềm tin vào cơ hội học tiếp, tương lai mình sẽ ra sao”, Giang nhớ lại.
Mất 3 năm để vực dậy, lớp 8 nhờ sự giúp đỡ của anh chị khóa trên, Giang bắt đầu tham gia hoạt động ngoại khóa như văn nghệ, làm gốm, viết báo của trường…Cô gái sinh năm 1995 này còn được mọi người trong trường gọi là "nhị ca" vì khá “quậy” và hoạt động sôi nổi.
Khi lên cấp 3, Giang là học sinh khiếm thị duy nhất của trường THPT Thăng Long, "Nếu em không có máu liều lĩnh thì chẳng vào được cấp 3", Giang chia sẻ.
Một ngôi trường không học chữ nổi, không có thiết bị hỗ trợ cho người khiếm thị…nên việc theo học đối với Giang khó khăn vô cùng. Hương Giang chủ yếu trao đổi trực tiếp với giáo viên và làm bài kiểm tra bằng vấn đáp.
Nhờ sự nỗ lực, 3 năm liền Giang đạt thành tích học sinh giỏi, giành giải 3 nghiên cứu khoa học quốc gia nên được tuyển thẳng vào khoa Tâm lý, ĐH KHXH&NV vào năm 2014.
Hiện nay, cô sinh viên này còn đang là cộng tác viên cho chuyên mục Niềm tin ánh sáng trên kênh VOV giao thông.
Máy đếm tiền phát ra tiếng nói
Khó ai có thể tin rằng một cô bé khiếm thị lại có thể phát minh ra chiếc máy đếm tiền và phân biệt tiền giả phát ra tiếng nói.
Khi còn học ở trường cấp 3, cô giáo động viên Giang “hãy nghĩ ý tưởng giúp tháo gỡ khó khăn cho các bạn khiếm thị” để tham gia Hội thi Khoa học Kỹ thuật Intel ISEF.
Rồi Giang thấy, nhiều bạn trong trường học rất giỏi nhưng phải tạm dừng việc học về nhà kinh doanh vì điều kiện không cho phép và họ gặp khó khăn lớn trong vấn đề sử dụng, đếm tiền.
Từ đó, Giang bắt đầu lên ý tưởng và chế tạo mô hình chiếc máy đếm tiền, phân biệt mệnh giá tiền phát ra tiếng nói.
Chưa từng chế tạo máy móc nên Giang nhờ một anh sinh viên tình nguyện học Bách Khoa giúp đỡ thực hiện ý tưởng táo bạo này. Tìm tài liệu nước ngoài, mua nguyên vật liệu, Giang mày mò chế tạo cơ cấu để hoàn chỉnh chiếc máy…trong 4 tháng.
Giang chia sẻ, chiếc máy có cấu tạo hai phần: đếm tiền và phân biệt thật giả. Để phân biệt cần có bộ máy cảm biến kích thước đo độ dài rộng của tờ tiền và nguồn phát hồng ngoại, cực tím để đặc điểm bảo an của tờ tiền hiện lên màn hình sau đó phát ra tiếng nói.
Theo mô hình của chiếc máy mà Giang thiết kế có thể tối thiếu đếm 500 tờ tiền trong vòng 30 giây.
Mặc dù chiếc máy đếm tiền mới chỉ dừng lại ở mô hình nhưng Giang hy vọng trong tương lai chiếc máy được sản xuất và đưa vào ứng dụng trong thực tế để giúp đỡ các bạn khiếm thị.
Cô gái trẻ này bật mí bản thân đã đặt chân đến nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Singapore, Thái Lan…
Chính vì thế, ước mơ của cô nữ sinh ngành tâm lý này là được làm trong một tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ nhiều bạn khuyết tật trên thế giới.
Và hiện nay cô gái khiếm thị bản lĩnh này đang cố gắng đến nhiều nơi đặc biệt là vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam để chia sẻ các bậc phụ huynh, trẻ khuyết tật còn gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống.
Theo Soha
Mời bạn xem thêm:
Chế tạo ván trượt tự cân bằng với Flying Nimbus
Khám phá nhà máy chế tạo súng trường tấn công chủ lực của Mỹ
Việt Nam chế tạo thành công tàu lặn mi ni Hòa Bình