Cách tự chọn lens theo nhu cầu

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

ĐÔI ĐIỀU VỀ TIÊU CỰ ỐNG KÍNH
 

  • Tiêu cự ngắn cho góc ảnh rộng hơn, thu được “nhiều thứ” vào hình ảnh hơn. Ngược lại, tiêu cự càng dài thì góc ảnh càng hẹp, thu được “ít thứ” vào khuôn hình hơn. Tuy nhiên, tiêu cự dài lại giúp người chụp đứng từ xa – và rất xa với tiêu cự rất dài – chụp cận cảnh (phóng to) chủ thể muốn chụp mà không phải tiến lại gần chủ thể (hoặc không thể tiến lại gần chủ thể do một lý do nào đó).
  • Sử dụng tiêu cự dài ngắn thế nào không những ảnh hưởng tới việc “lấy được bao nhiêu thứ” vào khuôn hình, mà còn đóng vai trò quan trọng trong tính nghệ thuật của bức ảnh, đặc biệt trong việc “quản lý” hậu cảnh đằng sau chủ thể chính cửa bức ảnh. Với dân chuyên nghiệp hay người chơi ảnh ở đẳng cấp cao, quản lý hậu cảnh chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra bố cục – tính nghệ thuật – của một bức ảnh.
  • Một bức ảnh có hậu cảnh rộng lớn (sử dụng ống kính tiêu cự ngắn) có thể nói cho người xem biết nhiều điều về môi trường, cảnh quan và hoàn cảnh của chủ thể chính, nhưng ngược lại, nếu sử dụng không khéo, có thể làm người xem mất tập trung vào chủ thể chính bởi các chi tiết thừa, khiến chủ thể chính bị lu mờ và không đem lại ấn tượng mạnh cho chủ thể.
  • Tiêu cự dài – với góc ảnh hẹp – giúp tập trung sự chú ý của người xem vào chủ thể chính bằng cách loại bỏ bớt chi tiết xung quanh chủ thể ở hậu cảnh, nhưng cũng có thể làm mất đi yếu tố hoàn cảnh xung quanh của chủ thể, khiến chủ thể “cô độc” và mất đi ý nghĩa liên kết giữa các yếu tố có thể cần thiết trong bức ảnh.
  • Với chụp chân dung, người chụp sẽ cần lựa chọn tiêu cự phù hợp cho thể loại chân dung của mình như chân dung đặc tả, hay chân dung “môi trường” – tức thể loại chân dung chụp người trong bối cảnh môi trường sinh sống, làm việc hay đơn giản là môi trường xung quanh người đó vào thời điểm chụp ảnh. Chọn đúng tiêu cự cũng giúp tạo ra các điểm thú vị của bức ảnh như phóng đại một yếu tố nào đó của chủ thể (ví dụ: chân dài), hay làm giảm các đặc điểm không mong muốn (ví dụ: mặt quá béo, múi quá cao, v.v…)

Mặc dù trong thực tế, sáng tạo là hoàn toàn không có giới hạn, và trên lý thuyết người chơi ảnh có thể sử dụng bất kỳ tiêu cự nào để chụp bất cứ thể loại ảnh nào tùy vào sáng tạo riêng của từng “tay máy”, có những dải tiêu cự được phục vụ mục đích này nhiều hơn mục đích khác, ví dụ các ống kính góc siêu rộng thường được sử dụng để chụp phong cảnh rộng lớn hay các công trình kiến trúc, cũng như các ống kính tiêu cự trong khoảng 85-135mm thường được sử dụng để chụp chân dung cận cảnh. Bảng sau sẽ cho biết mục đích sử dụng chung nhất, phổ biến nhất của các dải tiêu cự.


DẢI TIÊU CỰ FX TOÀN KHỔ DX CROP (CÚP NHỎ)


lens, ống kính, chụp ảnh, nhiếp ảnh, photography

(*) la trong bang la ( * ) nhé
Ghi chúDải tiêu cự tính theo chỉ số ghi trên ống kính.
MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG THÔNG THƯỜNG CỦA CÁC DẢI TIÊU CỰ
(1) Phong cảnh rộng
(2) Phong cảnh hẹp, cận cảnh
(3) Nội thất, kiến trúc
(4) Nhóm đông người
(5) Nhóm ít người
(6) Du lịch, Tổng hợp
(7) Chân dung môi trường
(8) Chân dung toàn thân, bán thân
(9) Chân dung cận cảnh, đăc tả khuôn mặt
(10) Chim, thú, động vật hoang dã
(*) Vi vật, hoa lá
(**) Côn trùng, ong bướm
(***) Sản phẩm, thực phẩm
Khi tính toán dải tiêu cự phù hợp, người chơi ảnh cũng nên đưa vào tính toán định dạng cảm biến của máy ảnh cụ thể đang sử dụng: Định dạng cảm biến toàn khổ FX (tương đương với bản phim 35mm) và định dạng cảm biến crop (cúp nhỏ) DX theo từng hãng, ví dụ DX Nikon có hệ số 1.5x, Crop Canon có hệ số 1.6x – bằng cách nhân tiêu cự được ghi trên ống kính (dù là ống sản xuất dành cho cảm biến toàn khổ hay cảm biến cúp nhỏ đều được tính như nhau) để biết được tiêu cự qui đổi tương đương toàn khổ (tức tương đương bản phim 35mm).
VinaCamera.com khuyến khích bạn thử nghiệm với các dải tiêu cự này theo bảng trên, đồng thời cũng thử nghiệm “phá cách” khác với cách sử dụng thông thường nêu trong bảng ở các thể loại ảnh mà một dải tiêu cự thường không được sử dụng với mục đích thông thường đó để có thể tạo ra những bức ảnh sáng tạo, độc đáo và mang phong cách riêng của từng người.

GIA VỊ

Nên chọn ống có zoom hay không zoom?

Ỗng có zoom


Ống kính có zoom là các ống kính cho phép thay đổi tiêu cự của ống kính bằng cách zoom ra góc rộng hơn và zoom vào góc hẹp hơn để dễ dàng từ một vị trí đứng chụp có thể mở rộng hoặc thu hẹp góc chụp, lấy vào khuôn hình nhiều hay ít cảnh vật. Thật là tiện lợi phải không nào? Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó! Các ống zoom, do phải bố trí một hệ thống phức tạp các thấu kinh bên trong, cộng với cơ chế giúp có thể zoom ra vào, thường có xu hướng làm giảm chất lượng hình ảnh (như cầu sai/ méo hình, sắc sai, v.v…). Ống càng có khả năng zoom được lớn (chênh lệch lớn giữa tiêu cự ngắn nhất và tiêu cự dài nhất) thì khả năng là chất lượng càng bị giảm sút, đặc biệt với các ống zoom giá rẻ như các ống KIT bán kèm máy. Để có được các ống zoom chất lượng cao, người chơi sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền, và thường các ống loại “khét tiếng” này cũng chỉ có khả năng zoom được ít (tỷ lệ zoom chỉ ở 3 đến 4 lần) như các ống 24-70mm (zoom ~3 lần), 70-200mm (zoom ~3 lần). Các ống zoom lớn như 18-270mm (15 lần) hay 18-300mm (gần 17 lần) thường có chất lượng ảnh không mấy ấn tượng, nhất là ở các tiêu cự dài và rất hay bị méo hình ở tiêu cự ngắn nhất, và hoàn toàn không thể đáp ứng được chất lượng ảnh chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các ống này lại đem lại sự tiện dụng, chụp đa năng, rất phù hợp với người chơi ảnh gia đình, du lịch. Các ống zoom lớn cũng giúp người chơi ảnh không phải mang vác nhiều ống kính cùng lúc, và tránh được các công việc “đầy rủi ro” như phải tháo lắp thay ống kính trong khi chụp.


Ống không có zoom (ống tiêu cự cố định/ một tiêu cự / ống fix)


Ống kính chỉ có 1 tiêu cự , và tất nhiên không thể zoom, trong tiếng Anh gọi là các ống prime hay fixed (cố định). Yếu điểm của các ống này là chỉ có một tiêu cự nên khi muốn cúp hình chặt hơn, hay muốn mở rộng góc chụp, người chụp phải di chuyển máy gần lại hoặc ra xa chủ thể muốn chụp, tức là phải tiến lùi bằng chân (zoom bằng chân theo cách gọi vui). Điều này là hết sức bất tiện trong nhiều trường hợp không thể tiến lùi gần xa hơn nữa tới chủ thể, cũng như làm người chụp mệt nhoài tiến lùi, và có thể phải thay ra, đổi vào nhiều ống kính khác nhau, dễ gặp rủi ro lớn như đánh rơi ống, bụi vào ống (và máy) khi chụp ngoại cảnh. NHƯNG ĐỔI LẠI, các ống tiêu cự cố định lại cho hình ảnh luôn sắc nét, chất lượng cao, các chỉ số cầu sai, sắc sai rất thấp, và thường có giá bán rẻ hơn so với các ống zoom cùng chức năng. Sở dĩ như vậy là do chỉ có một tiêu cự nên hệ thống thấu kính đơn giản hơn, không phải bố trí các thấu kính phục vụ mục đích zoom làm cho rủi ro sai số thấp hơn, kiểm soát tốt hơn chất lượng hình ảnh về mọi mắt, cũng như góp phần làm giảm giá thành của ống kính. Các ống kính tiêu cự cố định còn có đặc điểm là gọn nhẹ, nhỏ xinh giúp người chơi ảnh không phải mỏi tay bê vác nặng và tránh được nhiều tò mò chú ý của người xung quanh trong những trường hợp cần như vậy.


Vậy nên chơi ống có zoom hay không zoom?
Tùy bạn thôi. Bạn sẽ phải luôn thỏa hiệp giữa các yếu tố chất lượng, giá cả, mức độ tiện dụng (đa năng hay gọn nhẹ) và nhiều yếu tố phi 
nhiếp ảnh khác đi kèm với một ống kính nhất định.
Qua nhiều năm “chơi ảnh”, VinaCamera.com rút ra một qui luật bất thành văn thường xảy ra với người chơi ảnh như sau:


1. Mới chơi: Ống KIT, ống zoom dài với dải tiêu cự lớn, tiện dụng. Đây là những người chơi có vẻ bề ngoài “khủng” trong đám đông thường thấy ở các tụ điểm du lịch.


2. Chơi cũng đã lâu lâu: Ống một tiêu cự cố định, cho chất lượng hình ảnh tuyệt vời, nhưng làm người chơi mệt mỏi. Đây là hình ảnh của những người chơi miệt mài, có phần cô đơn, lặng lẽ giữa cuộc đời, hình ảnh “lọ mọ” lùi ra xa, tiến lại gần và đôi khi bị đám đông coi là “nghèo, đẳng cấp kém” do chỉ thấy những chiếc ống nhỏ xinh gắn trên thân máy. Họ không biết được đây là những người chơi sành điệu, chỉ có trong “giới” với nhau mới đánh giá hết… Dù sao, hãy thông cảm với họ, cả người chơi và đám đông kia.


3. Chơi có nghề, chơi chuyên nghiệp, và chuyên nghiệp: Ống gì cũng chơi, zoom, fix, KIT, cũ, mới,… Đây là những người chơi – và nhiều khi không còn là chơi mà là nghiệp, đôi khi “chướng” – hiểu được tất cả mọi giá trị của từng loại ống kính, biết cách sử dụng phù hợp từng loại trong mọi hoàn cảnh. Hình ảnh của họ như thế nào? Có lẽ họ là những người không cần xây dựng hình ảnh trong con mắt của đám đông nữa. Họ chơi vì họ, vì cái nghệ thuật và niềm đam mê riêng, hay đơn giản là vì nghề kiếm ăn của họ nó phải thế. Họ có thể cầm trên tay một ống kính giá rẻ đến bất ngờ, cũng có thể chọn ra trong tủ ống kính khủng với hàng chục chiếc ống của họ một ống kính (mà nói ra nhiều người ngỡ ngàng bởi giá tiền cao chót vót) khi xuất hiện trong một buổi chụp hình thời trang chuyên nghiệp, hay một cuộc dã ngoại chụp ảnh… vài thứ linh tinh chả ai thèm để ý tới.
Vậy nếu bạn có tình cờ nhìn thấy trên đường phố một người nào đó cầm chiếc máy ảnh với một ống kính nhỏ xinh 35mm đang cắm cúi chụp ảnh đám đông thì cũng đừng nên vội đánh giá, cũng như cũng không nên choáng ngợp và mất tinh thân bởi những chiếc ống to và dài của một khách du lịch đi theo đoàn bên cạnh bạn.

Xét cho cùng, bạn chơi ảnh chứ đâu phải chơi cái ống kính. Và ống kính loại tiêu cự nào cũng đều có thể cho ra đời những bức ảnh tuyệt đẹp!


Theo Vietdesigner
 

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo