Khi gặp hỏa hoạn cần làm gì để thoát thân

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận
Gần đây đã xảy ra khá nhiều vụ hỏa hoạn từ nhà chung cư, cao ốc, nhà riêng. Thượng tá Tô Xuân Thiều (Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội) sẽ giúp bạn những cách thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn xảy ra.

 

 

Dạy trẻ cách thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn là việc cần thiết trong mỗi gia đình
 

Thoát hiểm ở nhà riêng và chung cư

Để có thể tự bảo vệ thì bản thân mỗi chúng ta nên học cách sử dụng dụng cụ phòng cháy chữa cháy (PCCC), rèn kỹ năng PCCC cho mọi người để tự cứu mình. Khi nhà bị lửa tấn công cần thoát ra càng nhanh càng tốt. Đừng cố lấy của cải, giấy tờ, hay gọi điện cứu hỏa vì sẽ tốn nhiều thời gian quý báu để thoát ra.

Hãy ra ngay phía cửa, nếu thấy lửa dữ dội, khói mù mịt chặn cửa chính thì chớ sợ, hãy định hướng tìm cửa phụ để thoát ra. Trước khi mở cửa, nên chạm mu bàn tay vào tay nắm cửa xem có quá nóng không, nếu nóng là lửa đang dữ dội bên ngoài, hãy thoát ra bằng cửa khác. Nếu cửa chưa nóng thì mở từ từ để quan sát và tính cách thoát ra.

Những gia đình sống tầng 1 có thể thoát ra bằng cửa sổ. Nhà từ 2 tầng trở lên cần sắm thang nhẹ, dễ mang vác và chỉ cho cả nhà rõ chỗ để thang, lấy thang, dùng thang để thoát hiểm qua cửa sổ. Người ở các tầng cao hơn có thể chui ra ngoài, đứng tránh lửa trên mái vòm để dễ dàng được cứu hộ. Khi tóc, quần áo bén lửa cần lăn tròn ngay xuống đất để dập lửa. Nếu người bên cạnh bị bắt lửa, hãy lấy chăn, vải dày thấm nước trùm nhanh lên họ để dập tắt lửa.

Các chuyên gia thuộc Phòng Cảnh sát PCCC cho rằng, chữa cháy nhà chung cư là khó khăn hơn cả. Vì thế khi có hỏa hoạn người dân cần tuân thủ những quy định thoát hiểm như: Phải đi theo đèn exit thoát nạn; Tuyệt đối không thoát nạn bằng thang máy vì dễ hỗn loạn, điện sẽ tự ngắt và dừng hoạt động, dễ mắc kẹt;

Nhanh chóng xuống đất bằng cầu thang bộ. Nếu cầu thang bộ quá đông, có thể chui ra lan can chờ cứu hộ. Hoặc leo xuống đất bằng thang dây, sợi dây chống nhiệt (nhưng phải có lót tay). Hoặc thắt quần áo, chăn màn, rèm khăn xé ra nối thành dây dài để thoát qua cửa sổ. Ống nước PCCC, dây vòi rồng PCCC, vòi xịt, ống máng xối thoát nước… đều có thể cứu người, nhưng cần quấn vải vào tay kẻo rát và đau lòng bàn tay không tuột xa được; Cố bò, trườn sát mặt sàn, bịt khăn dày, ướt vào mũi miệng để tránh khói và thoát ra ngoài.

Khi thoát ra rồi, hãy men theo tường để giữ phương hướng. Xác định xem đang ở đâu, lửa cháy phía nào, cửa sổ, lan can, hay lối thoát hiểm gần nhất... để thoát ra. Khi ra lan can, sân thượng thì xác định hướng gió, chọn đứng chỗ ngược gió thì cháy lan sẽ chậm, sức nóng và ảnh hưởng lửa khói giảm… và có thêm thời gian thoát hiểm.

Kỹ năng thoát hiểm khi bị lửa khói bao vây

Các chuyên gia cho biết, khi lửa bao vây cần tìm cách kéo dài thời gian chờ cứu hộ. Hãy xả nước vào đầy thùng, chậu, bồn tắm… rồi nhúng nước tất cả khăn, vải, quần áo… nhét vào khe cửa để chặn khói. Dựng nệm, vật thấm nước chặn ở cánh cửa, kê thêm tủ, bàn, ghế cho chắc và luôn giữ ướt. Liên tục tạt nước ra sàn, tường để dịu sức nóng.

Không mở cửa sổ vì sẽ hút lửa từ cửa chính vào. Nếu cửa sổ an toàn hãy mở để thông khói, nhưng cần tháo mành rèm, chuyển chất dễ cháy ra xa, giữ ướt cửa sổ. Phá vỡ cửa sổ để thông khói là bất đắc dĩ, vì nếu có khói lửa bên ngoài ập vào rất nguy hiểm.

Khi thấy người đến cứu thì cố gắng gây chú ý, phát tiếng động để được cứu. Hoặc cố gắng đến gần chỗ có cứu hộ để kêu cứu. Hoặc treo/ đặt bất cứ vật dụng nào màu trắng để thu hút sự chú ý.

Cố gắng đừng hít phải khói. Khi thoát ra được, hãy thông báo ngay với cứu hỏa nếu còn người kẹt trong nhà. Chú ý đứng ngoài tầm tàn lửa, gạch đá bắn ra.

Nhảy xuống đất thoát thân là cách bần cùng, bởi không an toàn (nhảy từ tầng 4 xuống có thể chết người). Vì vậy chỉ chọn nhảy khi không còn lối thoát nào khác. Nguyên tắc là nhảy sẽ tiếp đất chân ở tư thế chùng đầu gối và đưa người về phía trước sẽ giảm chấn thương chân.

Ở tầng cao luôn để khăn bàn, phông màn, thảm, bao tải, bao nilon lớn, áo khoác…để có thể hỗ trợ mình. Khi nhảy cần là cột túm lại, nắm chặt hai tay để cản gió. Hoặc dùng quần dài cột chặt hai ống và túm chặt đai lưng sẽ bộng gió trong hai ống quần… cũng cản bớt gió, giảm đáng kể chấn thương.

Chọn nơi nhảy xuống là bụi cây, mái hiên, hàng quán, một đống cát, rác, nóc mui xe, mái tôn… sẽ giảm bớt tổn thương.

 

Dạy trẻ thoát hiểm

Dạy trẻ nhớ số điện thoại cứu hỏa (viết số 114, số điện thoại của bố mẹ để trẻ học thuộc).

Khi ngửi thấy mùi khét, khói hoặc trông thấy lửa cháy thì gọi ngay 114.

Khi bị kẹt trong đám cháy, cần bình tĩnh làm theo chỉ dẫn của người lớn. Lăn tròn khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa.

Dạy trẻ biết lối thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Không chần chừ đi trốn hoặc cố gọi điện. Không chui vào thang máy vì dễ bị ngắt điện. Nếu đang ở gần tầng thượng hãy di chuyển lên tầng thượng thay vì di chuyển xuống dưới.

Nếu kẹt ở phòng, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa rồi chui xuống gầm giường, nằm sát sàn, bởi gầm giường cứu hộ sẽ tìm kiếm đầu tiên và khói thì bay cao hơn sàn nhà.

TS Vũ Thu Hương, Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội

Theo Gia Đình

Mời bạn xem thêm:

Bí kíp thoát thân khỏi ô tô khi bị chìm dưới nước
Kinh nghiệm lái xe mùa mưa bão
10 nguyên tắc vàng lái xe dưới trời mưa

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo