Skeuomorph theo định nghĩa của Wikipedia là “một vật thể phái sinh từ vật thể gốc nhưng vẫn giữ nguyên được kiểu dáng và cấu trúc”. Từ định nghĩa này, bạn có thể hình dung được những gì chủ nghĩa thiết kế Skeuomorphism (tạm dịch: thiết kế mô phỏng) mang lại. Theo đó, chủ nghĩa này đề cao tính phức tạp trong thiết kế, tận dụng nhiều yếu tố ba chiều với mong muốn mang lại thiết kế giống với vật thật nhất. Để hiểu hơn về điều này, bạn có thể xem cách thiết kế của iOS 6 trở về trước, ví dụ như ứng dụng iBook, tất cả mọi thứ từ đường vân gỗ trên giá sách đến hiệu ứng lật trang khi đọc đều được mô phỏng cực kì giống thật.
Trước thời iOS 7, Steve Jobs cực kì trọng dụng phong cách thiết kế mô phỏng.
Tuy nhiên, về sau, khi người dùng càng ngày càng đề cao sự đồng bộ hóa cũng như phong cách đơn giản trong giao diện, thiết kế “phẳng” đang dần sống dậy và trở nên thịnh hành. Vì vậy, iOS 7, dưới bàn tay của Jony Ive đã được khoác lên mình bộ cánh hoàn toàn mới, lần đầu tiên trong lịch sử hệ điều hành này. Ban đầu, iOS7 có vẻ như không được lòng người dùng lắm bởi bên cạnh một số lỗi chưa thể khắc phục được, việc thay đổi lớn về giao diện cũng tạo những sự khó chịu nhất định.
Dẫu vậy, nếu bạn vẫn còn nhung nhớ về một thời vàng son của phong cách thiết kế mô phỏng trên iOS, concept iOS “thật chưa từng có” sau đây hẳn sẽ mang lại cho bạn những ấn tượng thú vị. Theo đó, xuyên suốt bản thiết kế iOS này là những hiệu ứng ba chiều, những vật thể hiển thị cực kì sống động và hiệu ứng chuyển độc đáo.
Ứng dụng bản đồ trong bản thiết kế.
Tất cả các đối tượng thuộc hệ điều hành này đều được thể hiện dưới dạng cực kì thật.
Dĩ nhiên là bản concept này khó có cơ hội trở thành hiện thực bởi nhiều khả năng Apple có lẽ sẽ còn gắn bó với phong cách thiết kế phẳng trong nhiều năm tới trước khi lại mang đến cho người dùng “táo khuyết” một thay đổi lớn nào đó nữa. Dẫu vậy, bạn nghĩ gì về bản thiết kế trên? Nếu trong một trường hợp hi hữu nào đó iOS 8... sẽ mang trên mình giao diện tương tự như concept này, bạn sẽ sẵn sàng cập nhật để trải nghiệm nó chứ?