Những trào lưu công nghệ “vang bóng một thời” ở Việt Nam

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận
Không quá cao siêu hay to lớn, nhưng những thứ tưởng như rất tầm thường dưới đây đã một thời khuynh đảo những người sở hữu các thiết bị công nghệ.

 
Lĩnh vực công nghệ 10 năm trở lại đây đã có những sự phát triển vượt bậc. Ở Việt Nam, việc sở hữu và sử dụng những thiết bị cầm tay đã dần trở nên quen thuộc. Sự phổ cập này đã kéo theo hàng loạt những trào lưu, xu hướng công nghệ được đông đảo người dùng “học” theo trong một khoảng thời gian không hề ngắn. Dưới đây là 3 trào lưu đã từng “tạo sóng” trước đây tại Việt Nam.
 

1. Chế nhạc chuông cho dòng máy Nokia “đập đá”

Nói đến dòng điện thoại “đập đá” của Nokia, chắc hẳn rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến dòng máy Nokia 1202, Nokia 1280 huyền thoại một thời. Với mức giá rẻ và độ bền “bất chấp nắng mưa”, hai dòng điện thoại này là lựa chọn hàng đầu cho hầu hết người dùng phổ thông chỉ có nhu cầu “nghe, gọi, nhắn tin” thời đó.

Cài nhạc chuông cho Nokia "cục gạch" đã từng là trào lưu nóng một thời.
 

Sự đơn giản, ổn định là ưu điểm và đồng thời cũng là nhược điểm của những dòng máy này. Để giảm bớt sự nhàm chán này, người sử dụng Nokia “đập đá” đã rộ lên trào lưu “cóp” thêm nhạc chuông vào máy. Nhờ đó, những bản nhạc hit của các ca sĩ đình đám được chuyển thành phiên bản đơn âm đã có thể sử dụng làm nhạc chuông, tạo nên sự độc đáo, phá cách.

Để làm được điều này, bạn cần phải có trong tay dây cáp chuyên dụng và một số phần mềm cần thiết. Chưa hết, nhạc để thêm vào cũng phải ở định dạng đặc biệt để có thể thích hợp với điện thoại. Cùng với thời gian, khi những cái tên như Nokia 1202 hay Nokia 1280 bị tuyệt chủng, trào lưu này cũng dần biến mất và đi vào quên lãng.

2. Độ vỏ gỗ cho điện thoại

Nếu như những chiếc điện thoại cảm ứng phổ biến hiện nay như iPhone, Samsung Galaxy, HTC... thường được trang bị ốp lưng hay vỏ bằng nhựa, silicone thì với những dòng máy phím bấm vật lý thời trước lại được độ... vỏ gỗ.

Các dòng Nokia dùng phím vật lý được “độ” vỏ gỗ.
 

Chi phí mà người dùng phải bỏ ra cho việc độ vỏ này dao động từ 200 đến 600 nghìn, tùy vào chất liệu và độ tinh xảo. Sau khi đã được “độ vỏ”, các dòng điện thoại này sẽ gần giống với những sản phẩm vỏ gỗ của các hãng điện thoại đắt tiền như Mobiado hay Vertu. Đến nay, sự phổ biến của những chiếc điện thoại cảm ứng đã làm thú chơi “độ vỏ” phần nào bị lu mờ.

3. Trào lưu dùng sim điện thoại “tỷ phú”

Cuối năm 2011, nhà mạng di động Beeline tung ra chiếc điện thoại siêu rẻ với giá chỉ 169 nghìn đồng, và quan trọng hơn cả, nó bao gồm cả thẻ sim và tài khoản nội mạng Beeline lên tới 1.000.000.000 đồng trong 10 năm. Ngay lập tức, combo điện thoại kèm sim này đã tạo nên một cơn sốt thực sự.

Trên khắp các diễn đàn công nghệ lớn nhỏ, người ta đã phải đặt ra câu hỏi: Tại sao điện thoại Beeline lại hot đến như vậy ?. Nhiều người sử dụng đã có trong tay những sản phẩm hiện đại nhất như iPhone hay Blackberry cũng tìm mua cho mình một chiếc điện thoại Beeline cũng vì sức hấp dẫn của tài khoản nội mạng 1 tỷ đồng. Giá của một chiếc điện thoại Beeline đã bị đội lên khá cao so với giá trị thực nhưng vẫn bán “đắt như tôm tươi”.

Chiếc điện thoại “nhỏ mà có võ” của Beeline đã từng khuấy đảo thị trường di động Việt.
 

Tuy nhiên sau đó cơn sốt này đã nhanh chóng hạ nhiệt bởi những hạn chế về chức năng và quan trọng hơn là người dùng cũng đã bớt mặn mà với chiếc sim tài khoản “khủng” của hãng. Beeline sau đó cũng đổi tên thành Gmobile và nhà mạng này vẫn đang phải vật lộn rất khó khăn để cạnh tranh với 3 ông lớn Vinaphone, Viettel, Mobifone.

 

Theo Kênh 14

Mời bạn xem thêm:

Suy ngẫm với những khái niệm thay đổi từ khi có công nghệ
Công nghệ biến da người thành màn hình cảm ứng di động
Những điều thú vị về "Ông trùm điên" của làng công nghệ Mỹ

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo