Sự thật về chảo chống dính

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Chảo chống dính cho phép mọi người rán, xào, hầm và nướng thoải mái mà thức ăn ít bị vỡ nhất. Tuy vậy, câu hỏi chảo chống dính có gây ung thư hay không và giá trị thực sự của một số công nghệ làm chảo chống dính đang là chủ đề tranh luận bấy lâu nay.

 

Bài viết sau đây sẽ nói rõ mọi thứ về chảo chống dính, từ lớp phủ hóa học giúp bề mặt chảo có tác dụng chống dính, đến những lời khuyên làm thế nào duy trì và bảo vệ lớp phủ chống dính của chảo. Bạn cũng sẽ được cập nhật những thông tin về việc liệu chảo chống dính có thực sự nguy hiểm như một số báo cáo đã tuyên bố.

Lịch sử chảo chống dính

Việc phát hiện ra công nghệ chống dính đầu tiên bắt đầu bằng các nghiên cứu về … tủ lạnh. Lúc đó, các nhà khoa học tại nhà máy Chemicals Kinetic, một công ty con của tập đoàn DuPont, đang tìm kiếm một loại hóa chất ít độc hại hơn để dùng làm chất làm lạnh mới.

Năm 1938, nhà khoa học Roy Plunkett ở Ohio (Mỹ) đã chế tạo một hỗn hợp nhằm tạo ra khí tetrafluoroethylene. Sáng hôm sau, ông phát hiện ra một chất sáp màu trắng, chứ không phải khí như ông đã tưởng​​. Sau khi phân tích, chất mới được tìm thấy là polytetrafluoroethylene, viết tắt là PTFE, và nó được công nhận là một hợp chất có tác dụng trơn trượt đặc biệt. Chất hóa học này được cấp bằng sáng chế vào năm 1941. Hãng DuPont cũng đã đăng ký nhãn hiệu cho chất này là Teflon vào năm 1945.

Nhờ phát minh về chất Teflon, Plunkett đã được giới thiệu vào tổ chức Những nhà sáng chế nổi tiếng của Mỹ vào năm 1985. Tuy nhiên, phải đến khi Marc Gregoire, một kỹ sư người Pháp, phát hiện ra cách liên kết PTFE vào nhôm, thì chiếc chảo chống dính đầu tiên trên thế giới mới được tạo ra. Năm 1956, Marc Gregoire cùng với vợ thành lập Tập đoàn Tefal. Năm 1960, Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ (FDA) phê duyệt PTFE được dùng cho các thiết bị chế biến thực phẩm. Với sự chấp thuận này, công ty Tefal, tại Mỹ gọi là T-FAL, đã bắt đầu bán chảo chống dính.

Sử dụng chảo chống dính thế nào mới đúng và bền?

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chảo chống dính với các nhãn hiệu khác nhau. Loại lớp phủ, số lượng lớp phủ và độ dày của kim loại, tất cả đều góp phần tác động đến độ bền và tuổi thọ của chảo chống dính. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất chảo, loại chảo nặng hơn với nhiều lớp phủ hơn có thể có giá đắt hơn. Tuy nhiên, dù bạn chọn mua loại chảo có bề mặt chống dính như thế nào – bằng chất polytetrafluoroethylene (PTFE) hoặc fluoropolymer – thì vẫn là "của bền tại người", sử dụng chảo như thế nào để duy trì được lớp phủ chống dính tốt vẫn tùy thuộc vào bạn.

Theo tập đoàn DuPont, hầu hết lớp phủ chống dính của chảo đều có tuổi thọ 3-5 năm với mức độ sử dụng bình thường. Chảo được dùng nhiều hay ít, dùng để xào, kho hay rán và dùng cùng với các dụng cụ làm bếp như muôi, thìa, đũa thế nào đều ảnh hưởng đến tuổi thọ của chảo chống dính.

Sử dụng muôi gỗ với chảo chống dính giúp bảo vệ và kéo dài tuổi thọ cho chảo

Mặc dù không nên cọ rửa quá mạnh với chảo chống dính, tuy nhiên việc rửa chảo thông thường với nước ấm và xà phòng đều được, không nên chà xát mạnh tay, dùng miếng rửa bát thô để rửa chảo chống dính.

Để bề mặt chống dính của chảo không bị trầy xước, các đồ dùng như muôi, đũa bằng gõ, nhựa là lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra, nên điều chỉnh nhiệt độ bếp ở mức thấp hoặc trung bình. Hãy đảm bảo rằng chiếc chảo của bạn không phải chịu mức nhiệt độ cao tầm 204 đến 260 độ C.

Chảo chống dính có gây ung thư?

Dù chảo chống dính sử dụng chất polytetrafluoroethylene (PTFE) đã xuất hiện từ khoảng những năm 1960, song tính an toàn của nó vẫn là chủ đề tranh cãi trong những năm gần đây. Phần lớn các cuộc thảo luận xoay quanh một chất gọi là axit perfluorooctanoic, hay PFOA. Loại axit này được sử dụng trong sản xuất nhiều chất fluoropolymer, trong đó có PTFE.

Năm 2003, Nhóm hoạt động vì môi trường đã kiến nghị lên Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC), phải gắn nhãn lên loại chảo chống dính có lớp phủ PTFE để cảnh báo về các khả năng an toàn tiềm ẩn đối với chim và con người. Các kiến nghị đã trích dẫn nhiều trường hợp chim tử vong do khói từ các lớp phủ PTFE, và hai trường hợp cụ thể ở người, bị chứng sốt khói polymer - triệu chứng giống như bị cúm. Sau khi xem xét, Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ từ chối đơn thỉnh cầu của Nhóm này.

Vào tháng 1/2005, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã đưa ra dự thảo đánh giá về những rủi ro đối với sức khỏe của PFOA. Văn phòng phòng chống ô nhiễm và chất độc của EPA đã thành lập một Hội đồng tư vấn khoa học để xem xét kết quả nghiên cứu của dự thảo. Theo đó, họ nhận thấy chất PFOA phù hợp với các hướng dẫn của EPA: là một chất "có khả năng gây ung thư".

Trong khi EPA vẫn tiếp tục nghiên cứu tác động của PFOA với con người và môi trường, đồng thời lên chương trình để loại bỏ PFOA, các chất thải hóa học và sản phẩm liên quan vào năm 2015, quan điểm hiện tại của họ vẫn là không có lý do gì để người tiêu dùng ngừng sử dụng các loại chảo chống dính sử dụng hợp chất PTFE.

Mặc dù cả hai tổ chức CPSC và EPA đều khẳng định không cần gắn nhãn cảnh báo lên chảo chống dính, cũng như không cần thiết phải ngăn chặn sản phẩm lưu hành trên thị trường, song chúng ta vẫn nên làm theo một vài hướng dẫn an toàn.

Thứ nhất, DuPont - nhà sản xuất chảo Teflon, một trong những nhãn hiệu chảo chống dính nổi tiếng nhất - chỉ rõ trên website, chim có hệ thống hô hấp nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ loại khói nào, chứ không chỉ là loại khói bốc lên từ chảo chống dính. Vì thế, không nên để chim trong nhà bếp. Thứ hai, không nên để chảo chống dính nóng đến nhiệt độ 260 độ C. Người dùng cũng nên thay chảo mới nếu lớp phủ đã bị hỏng.

Các công nghệ chống dính mới

Từ nhiều thập kỷ nay, loại lớp phủ chống dính fluoropolymer đã rất thịnh hành trên thị trường chảo chống dính. Nhưng vài năm gần đây, một số công nghệ mới đã xuất hiện, trong đó chủ yếu là hai công nghệ liên quan: gốm silicon và silicon. Chẳng hạn, công nghệ chống dính Ceramica của hãng Cuisinart là một loại gốm không dính lần đầu tiên được sử dụng trong dòng chảo hiệu GreenGourmet. Lớp phủ chống dính không chứa chất PTFE hay PFOA.

Một loại lớp phủ không dính bằng gốm khác là Thermolon. Lớp phủ này chủ yếu bao gồm silicon và oxy. Nó là lớp phủ duy nhất trên nền kim loại của chảo và sau đó chỉ là một lớp bảo vệ hoặc lớp trang trí bên ngoài. Các nhà sản xuất đang phát triển các công nghệ mới với lớp phủ không có PTFE, thân thiện hơn với môi trường do sử dụng ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất. Loại lớp phủ Thermolon có một số công thức khác nhau. Chảo chống dính thương hiệu GreenPan sử dụng công nghệ Thermolon cho bề mặt không dính.

Một công nghệ khác là silicon. Có thể bạn đã từng thấy hoặc sử dụng silicone bakeware - một sản phẩm còn gọi là NP2, tận dụng tính trơn trượt của silicone để tạo ra một lớp phủ không chứa PTFE. Dòng chảo chống dính mới thân thiện với môi trường của Tramontina sử dụng công nghệ không dính NP2. Tramontina nói rằng loại chảo này có thể sử dụng với cả thực phẩm khô và nâu, cũng như sử dụng được trong lò nướng đến 177 độ C.

Chảo sử dụng lớp phủ chống dính ceramic

Công nghệ Thermolon xuất hiện trên thị trường Mỹ vào năm 2007, còn công nghệ Ceramica và NP2 là vào năm 2008. Do thời gian những công nghệ mới này có mặt trên thị trường tương đối ngắn, nên có rất ít nghiên cứu xem xét về chất lượng của chúng. Tuy nhiên, rõ ràng là trong các thập kỷ kể từ khi phát hiện ra hợp chất PTFE, công nghệ vẫn luôn tiếp tục phát huy, giúp quá trình chế biến thực phẩm trở nên dễ dàng và nhanh, tiện hơn.

Theo VNReview

Mời bạn xem thêm:

15 sự thật gây sốc về Apple

Sửng sốt với 23 sự thật "éo le" trong cuộc sống

Sự thật MH370: Cơ trưởng tắt hệ thống oxy, lao máy bay xuống biển?

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo