Việt Nam bất ngờ trở thành thị trường nóng nhất đối với hãng công nghệ khổng lồ Apple sau khi tăng trưởng doanh số tăng gấp 3 lần trong quý I năm 2014, tỷ lệ cao gấp 5 lần so với Ấn Độ, thị trường Apple mạnh tay chi tiền trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần.
Việt Nam hầu như không được các giám đốc điều hành Apple nhắc đến trong những cuộc họp đại hội cổ đông thông báo tình hình kinh doanh. Nhưng trong cuộc họp hàng quý diễn ra vào thứ 4 mới đây, họ bắt đầu trao đổi về tiềm năng của thị trường này.
Doanh thu quý của iPhone tăng hơn gấp đôi và sức tăng trưởng mạnh tiếp tục khả quan với việc chiếm ưu thế từ giới trẻ, am hiểu công nghệ, tốc độ phát triển vượt bậc của internet và việc sử dụng điện thoại di động kèm theo đó là dự báo tầng lớp trung lưu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
Các công ty công nghệ Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng cùng với việc tung ra các ứng dụng như Flappy Bird, từng là hiện tượng toàn thế giới khi là một trong những trò chơi di động được tải về nhiều nhất.
Rất đông giới trẻ Việt Nam đến các cửa hàng để mùa iPhone mặc dù giá có thể lên đến nửa thu nhập bình quân đầu người trung bình năm 2012.
“Nó tốn hơn 2 tháng lương của tôi”, Phạm Mỹ Linh, một nhân viên văn phòng 23 tuổi cho biết sau khi đồng ý cam kết kế hoạch thanh toán cho một chiếc iPhone 5. “Nhưng tôi cần nó, để cảm thấy tự tin hơn khi gặp gỡ với bạn bè và đồng nghiệp”.
Nhu cầu gia tăng đối lập với bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp, mức độ nợ xấu duy tì ở mức cao và nhiều doanh nghiệp đóng cửa.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,4% vào năm ngoái, một mức có thể xem là không đạt kỳ vọng với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh và hệ thống bán lẻ, sản xuất tiềm năng.
Nhưng những nhà kinh doanh điện thoại thông minh Việt Nam cho biết ‘cơn đói’ đối với việc thể hiện đẳng cấp xã hội cao hơn là nhân tố dẫn dắt doanh số Apple, nhờ chiến lược giảm giá và kế hoạch thanh toán làm cho việc tiêu thụ mặt hàng này có mức giá lớn hơn thu nhập hàng tháng trở nên dễ dàng tại phần lớn các thành thị.
Thời điện thoại thông minh lên ngôi
Cơn khát đối với công nghệ gia tăng không chỉ đem lại lợi ích cho Apple, mà phần lớn các hãng đều chớp thời cơ và tung ra máy tính bảng, smartphone trong đó phải kể đến HTC, Samsung. Tăng trưởng chậm lại đối với điện thoại truyền thống cho thấy sự thèm khát nâng cấp lên điện thoại thời thượng hơn, những chuyên gia trong ngành cho biết.
“Tôi không thấy tín hiệu nào của một cuộc suy thoái kinh tế trong cửa hàng này”, quản lý một chi nhánh tại Hà Nội của công ty công nghệ FPT cho biết. “Mọi người mua những sản phẩm 1.000 USD một cách dễ dàng và một gia đình mua tới 3 chiếc iPad không còn là điều lạ”.
Theo số liệu nghiên cứu thị trường của hãng GfK hồi tháng 1, điện thoại thông minh chiếm 77% doanh số di động tại Việt Nam trong năm ngoái và số lượng mặt hàng bán ra tăng trưởng gần 135% so với năm trước đó. Doanh số máy tính bảng tăng kỷ lục 250% vào năm 2013 khi giá mặt hàng này giảm gần 27%.
Nhiều công ty đang tăng cường tìm kiếm cơ hội Việt Nam, nơi mà 15 triệu người đang sống tại 2 thành phố chính, chỉ có 30 triệu người sử dụng internet trong 90 triệu dân số và 2/3 dân cư dưới độ tuổi 30.
Không riêng Apple được hưởng lợi từ thương hiệu của mình.
Điện thoại nhái iPhone với thiết kế gần như hoàn hảo được bán với giá chỉ 2 triệu đồng.
“Có nhiều người không có khả năng chi trả cho một chiếc iPhone nhưng vẫn muốn trông giàu có, chính vì vậy nên những cửa hàng như của tôi có thể kinh doanh tốt”, một chủ cửa hàng điện thoại 33 tuổi cho biết.
“Tại sao phải trả gấp 10 lần cho một chiếc iPhone chỉ với mục đích để khoe vẻ ngoài?”.
Theo Thảo Nguyên/Cafebiz.vn
Business Insider