Nhiều bạn khi đi mua cho mình một chiếc máy DSLR hoặc mirrorless đều "hí ha hí hửng" với suy nghĩ nếu có chiếc máy này các bạn sẽ chụp được ảnh đẹp, đặc biệt là "chụp teen xóa phông".
Thế nhưng, do các bạn chưa tìm hiểu kĩ cho nên thường mua máy kèm với ống kit. Và đó là lý do mà bạn khó có thể chụp ảnh xóa phông.
Trên thực tế, nếu bạn muốn chụp ảnh đẹp hoặc xóa phông thì điều tất yếu phải phụ thuộc vào chất lượng quang học của ống kính cũng như khẩu độ tối đa của ống kính đó là bao nhiêu. Thường các nhiếp ảnh gia hay chọn các ống kính như 50mm, 85mm hoặc 135mm và khẩu độ của chúng cũng thường từ f/2 trở lên (chỉ số sau f càng nhỏ, khẩu độ càng lớn), ví dụ như f/1.4 hoặc f/1.8.
Canon 50mm chụp tại f/2.0, 1/160, ISO 100.
Ống kit thường có dải tiêu cự 18 – 55mm, khẩu độ f/3.5 – 5.6. Với những thông số như vậy, nó được xếp vào ống kính đa dụng và "chữa cháy". Nếu bạn nghiêm túc với nhiếp ảnh, bạn nên nâng cấp ống kính.
Tuy nhiên, ống kính là một thứ gì đó rất "đắt đỏ" mà không phải lúc nào bạn cũng có sẵn cục tiền trên tay để mua. Và vì thế, hãy đọc 3 mẹo sau. Đây là 3 mẹo nhỏ từ Digital Photography School hỗ trợ bạn chụp chân dung bằng ống kit "chữa cháy".
1/ Tận dụng các yếu tố ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh (Depth of Field – DoF)
Như đã để cập ở trên, một trong những lợi thế của các ống kính có tiêu cự cố định (prime) cho chân dung là khẩu độ lớn như f/1.4 hay f1.8. Vì thế, nó dễ dàng xóa phông (hoặc bokeh) hơn rất nhiều. Hầu hết các ống kit đều có khẩu đồ f/3.5 (tại tiêu cự 18mm) và f/5.6 (tại tiêu cự 55mm). Với các thông số như thế này, rất khó để xóa phông.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc xóa phông là khoảng cách đến đối tượng. Càng gần đối tượng, hậu cảnh càng mờ.
Nếu bạn sử dụng ống kit, mẹo nhỏ để chụp chân dung là sử dụng tiêu cự phù hợp, cỡ khoảng 35 - 55mm, sau đó hãy đứng gần đối tượng nhất có thể, và dĩ nhiên, phải mở khẩu lớn nhất có thể của ống kính. Nếu bạn tận dụng được mẹo này, bạn sẽ có một tấm chân dung xóa phông nhất có thể.
2/ Thay đổi góc nhìn, góc chụp
Thay vì chọn cho đối tượng một nền hậu cảnh mà không đủ xa để xóa chúng thì bạn hãy thay đổi góc chụp. Một góc nhìn ngang? Bỏ đi, bạn có thể chọn một góc nhìn thẳng đứng từ trên xuống.
Đối tượng sẽ ngồi trên mặt đất, có thể là cỏ chẳng hạn. Với mẹo này, bạn sẽ dễ dàng có một tấm ảnh chân dung trực quan hơn so với cách thông thường khi bạn dùng ống kính kit.
Bonus: Hãy thử chụp ở chế độ màu đen trắng (B&W). Nó sẽ cho bạn một bức ảnh tuyệt diệu hơn đấy.
3/ Chân dung bán thân hoặc các chuyển động
Chụp tại khẩu độ f/4 hay f/5.6 sẽ cho bạn trường ảnh rất rộng. Đừng nghĩ nó không có lợi.
Thực tế, với trường ảnh mà f/5.6 cho ra, bạn có thể dễ dàng chụp các bức ảnh chuyển động mà không bị sai nét. Hãy thử chụp một đứa trẻ chạy đến bên bạn chẳng hạn.
Ngoài ra, việc chụp với đầu hoặc vai của chủ thể cho phép bạn kết hợp các yếu tố của môi trường xung quanh. Điều này làm nổi bật câu chuyện bạn muốn kể. Có thể là một ít hoa ở công viên, một ít bóng bay trong ngày sinh nhật hay là một cây kem trong mùa hè nóng bức.
Kết
Tóm lại, với một ống kit, bạn hãy tập trung vào việc chụp cảm xúc hoặc kể một câu chuyện sẽ là hợp lý hơn.
Ống kính kit hạn chế về mặt chân dung? Tất nhiên. Tuy nhiên, không có nghĩa là nó không hữu dụng, hãy tận dụng một cách linh hoạt nhất có thể trong các tình huống. Nếu cố gắng, bạn sẽ tạo ra được nhiều tác phẩm đẹp từ ống kính "chữa cháy" này.
iCamera chuyên cung cấp các loại máy ảnh, ống kính Canon, Nikon, Fujifilm chính hãng và các thiết bị hỗ trợ quay chụp như tripod, filter, túi đựng máy ảnh, ... Để đặt hàng sản phẩm bạn có thể truy cập website http://icamera.vn/ hoặc gọi đến hotline 0922233808 - 096.44.66.805 - 091.969.998
Theo Vnreview