Viettel đã gửi tin nhắn cho khoảng 5 triệu khách hàng ở các tỉnh dự kiến bão Kalmaegi đổ bộ để cảnh báo về cường độ và đường đi của cơn bão giúp người dân phòng tránh, giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản.
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (bão Kalmaegi), ngày 15/9/2014, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thuộc Tập đoàn Viettel đã ký công điện khẩn số 2927/CĐ-VTQĐ-PCTT yêu cầu các Công ty thành viên, Chi nhánh Viettel tỉnh/TP và các Trung tâm điều hành kỹ thuật khu vực 1, 2, 3 khẩn trương hoàn thành các phương án phòng chống bão lũ.
Công điện yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp củng cố hệ thống mạng lưới, tổ chức lực lượng ứng trực, thường xuyên theo dõi diễn biến cơn bão, sẵn sàng xử lý các tình huống do bão, mưa to kéo dài hoặc lũ quét xảy ra.
Thực hiện theo công điện, Viettel đã bố trí trên 4000 cán bộ công nhân viên ứng trực tại đơn vị trong các ngày bão. Bố trí 39 đội ứng cứu thông tin cơ động hỗ trợ trực tiếp các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão, bổ sung dự phòng 72km cáp trục, 300 km cáp thuê bao. 100% vị trí trạm được bố trí ắc quy, máy phát điện đảm bảo không gián đoạn thông tin trong bão. Phân bổ 55 xuồng máy tải trọng từ 650 – 900 kg tại các vị trí ven biên, có nguy cơ ngập lụt sẵn sàng thực hiện nghiệp vụ ứng cứu thông tin trong điều kiện bão lũ, địa hình bị chia cắt do ngập lụt.
Viettel nhắn tin cảnh báo về bão số 3
Bên cạnh đó, từ 16h ngày 16/9, Tổng Công ty Viễn thông Viettel gửi tin nhắn cho khoảng 5 triệu khách hàng ở các tỉnh dự kiến cơn bão đổ bộ là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định để cảnh báo về cường độ và đường đi của cơn bão giúp khách hàng kịp thời phòng tránh, giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản. Trong trường hợp bão vẫn diễn biến theo hướng phức tạp, Viettel tiếp tục nhắn tin thông báo diễn biến cơn bão. Ngoài hoạt động cảnh báo bão qua tin nhắn, Viettel cũng huy động toàn bộ nguồn lực để đảm bảo duy trì dịch vụ ổn định nhất cho khách hàng; kịp thời khắc phục, xử lý các trường hợp lỗi, sự cố do thiên tai.
Đối phó cho mùa mưa bão năm nay, Viettel đã hoàn thành công tác chuẩn bị từ tháng 5/2014. Trong đó, 11.000 trạm BTS được bảo dưỡng, hạ ngầm 1.292 km cáp quang. Tại các địa phương thường xuyên có lũ lụt, 425 nhà trạm được kiên cố hóa, nâng cao lên cách mặt đất từ 1,5 – 4,5 mét tùy theo đỉnh lũ lịch sử tại địa phương.
Theo ICT News
Mời bạn xem thêm:
Khách hàng đồng loạt “tố” nhiều chiêu “móc túi” của Viettel
Viettel chậm chân, Viber bán mình cho Rakuten với giá 900 triệu USD