Các loại ống kính máy ảnh, công dụng và ứng dụng của ống tele trong nhiếp ảnh

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Ống kính tele là một công cụ tuyệt vời giúp người cầm máy tiến gần đến chủ thể ngay cả khi không thể. Thiết bị thích hợp cho cả ảnh chân dung cũng như ảnh phong cảnh, thiên nhiên hoang dã. Tuy nhiên, để có những shot hình đẹp, người dùng cũng nên chú trọng đầu tư phụ kiện nhằm giảm thiểu nhòe hình do rung máy.

Ống normal và tele

Trong lịch sử nhiếp ảnh, tiêu cự 50mm được chọn là tiêu cự chuẩn và thường được gọi là tiêu cự “normal” cho định dạng phim 35mm. Những ống kính tiêu cự 50mm vì thế cũng được gọi là ống normal nhằm phân biệt với các ống kính zoom, tele khác. Sở dĩ 50mm được xem là tiêu cự chuẩn vì khi ngắm chụp qua ống kính tiêu cự này, hình ảnh không hề bị hiện tượng méo hình hay bị thay đổi kích thước so với thực tế. Ống kính có tiêu cự 50mm khi gắn trên máy phim 35mm sẽ cho trường nhìn, góc nhìn tương đương với mắt thường của con người. Nếu nhân tiêu cự này lên 4 lần, ta sẽ có tiêu cự 200mm và có nghĩa là hình ảnh thực tế sẽ được phóng đại lên gấp 4 lần so với thực tế.

Ảnh chụp sử dụng EOS 40D, ống Canon EF 28-135mm/f3.5-5.6 IS USM tại tiêu cự zoom tối đa.

Tuy vậy, người dùng cần chú ý để tránh nhầm lẫn giữa ống kính zoom và ống kính tele vì ống kính tete nói một cách ngắn gọn là những ống có góc nhìn rất hẹp và có chiều dài vật lý ngắn hơn nhiều so với chiều dài tiêu cự mà nó hỗ trợ. Có những model ống tele có tiêu cự cố định và chỉ có thể lấy nét trong một khoảng cách nhất định. Song, cũng có những loại ống kính tele hỗ trợ thay đổi chiều dài tiêu cự thường được gọi là telephoto zoom lens. Sở dĩ ống kính telephoto có thể zoom là do bên trong mỗi sản phẩm được thiết kế nhiều nhóm thấu kính rất phức tạp hỗ trợ lấy nét, nhóm có thể dịch chuyển để điều chỉnh điểm hội tụ khi zoom. Ngoài ra còn có khá nhiều khía cạnh kỹ thuật khác mà khi mô tả cần đến rất nhiều giấy mực. Xét về ngoại hình, hiện tại, thị trường có những ống kính tele khá gọn nhẹ, có thể dễ dàng di chuyển và mang theo bên mình - song cũng có những model rất lớn và nặng tùy theo cấu trúc thiết kế và chức năng của sản phẩm.

Thị trường hiện tại có khá nhiều loại ống telephoto zoom lens, song được đánh giá cao nhất vẫn là những đại diện như Nikon AF-S Nikkor 70-200mm/f2.8G ED VR II, Nikon AF-S VR Zoom Nikkor 70-300mm/f4.5-5.6G IF-ED, Sigma 120-400mm/F4.5-5.6 DG APO OS HSM, Canon EF 70-200mm/f4L IS USM, Canon EF 70-300mm/f4-5.6L IS USM, Tamron 18-270mm Di II VC PZD.

Nikkor 70-300mm/f4.5-5.6G IF-ED VR là một trong những lựa chọn tốt trong tầm giá 10 triệu đồng

Ống kính zoom

Ống kính zoom là một loại ống kính có khả năng phóng đại một phần hình ảnh thành một hình ảnh lớn hơn. Về cấu tạo, ống kính zoom được cấu tạo gồm nhiều bộ thấu kính ghép lại với nhau và có khả năng thay đổi tiêu cự (để phóng đại hình ảnh) - khác biệt hoàn toàn với các loại ống fix vốn chỉ hỗ trợ một tiêu cự cố định. Hầu hết các máy ảnh PnS ngày nay đều được trang bị ống kính zoom với nút chức năng tương ứng để tùy chỉnh độ dài tiêu cự mong muốn. Máy ảnh ống kính rời (DSLR) cũng có thể kết hợp sử dụng với các ống kính zoom tương thích. Tuy nhiên, khác với PnS, để thay đổi chiều dài tiêu cự của những ống kính này, người dùng phải xoay chuyển vòng cao su trên thân ống kính.

Những ống kính có khả năng zoom thường được phân biệt bằng 2 chỉ số tiêu cự (đơn vị tính bằng milimet) in trên thân ống hoặc trong tên gọi sản phẩm. Ví dụ như Canon EF-S 55-250mm/f4-5.6 IS, Nikkor AF-S 70-300mmf4.5-5.6G VR... Ngoài việc ứng dụng trong chụp ảnh, ống kính zoom còn được dùng như một viễn vọng kính có độ phóng đại thay đổi được, hay dùng để phát một tia laser có công suất trên một đơn vị diện tích có thể thay đổi.

Ống zoom góc rộng (wide-angle lens)

Theo định nghĩa trong nhiếp ảnh và kỹ thuật điện ảnh, ống kính góc rộng (wide-angle lens) là những ống kính có chiều dài tiêu cự nhỏ hơn nhiều so với tiêu cự chuẩn 50mm của định dạng phim 35mm. Ống kính góc rộng thường có góc nhìn rất rộng nên có thể bao quát cả một không gian lớn chỉ trong một bức ảnh. Chính vì điều này mà ống kính góc rộng rất thích hợp cho chụp ảnh nội thất, ảnh phong cảnh - khi người chụp không thể di chuyển xa hơn khỏi khung cảnh cần chụp. Ống kính góc rộng còn được dùng để nhấn mạnh sự khác biệt về khoảng cách giữa chủ thể với tiền cảnh và hậu cảnh – vì với loại lens này, đối tượng chụp càng gần máy sẽ có kích thước càng lớn và ngược lại. Trong định dạng phim 35mm, ống kính góc rộng thường có tiêu cự nằm trong khoảng từ 24mm đến 35mm. Những ống kính có chiều dài tiêu cự nhỏ hơn 24mm được gọi là ống siêu rộng (ultra/super wide-angle lens). Ống kính góc rộng cũng có dạng tiêu cự cố định (ống fix) và loại zoom với chiều dài tiêu cự thay đổi được.

Ứng dụng ống kính tele trong nhiếp ảnh

Trong nhiếp ảnh, mục đích đáng kể nhất của ống kính tele chính là để tiếp cận đối tượng chụp từ một khoảng cách khi mà người chụp không thể hoặc không nên đến gần chủ thể cần chụp. Ống kính tele có thêm chức năn zoom vẫn luôn là một lựa chọn ưa thích của các nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh động vật hoang dã, thiên nhiên.

Trong đời sống thường ngày, ống kính tele còn là một lựa chọn lý tưởng để ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên nhất của đối tượng cần chụp như những đứa trẻ. Vì với ống kính tiêu cự càng lớn, bạn có thể tiếp cận đối tượng từ một khoảng cách càng xa, đối tượng chụp có thể không nhận biết rằng họ đang được chụp ảnh nên hành động tự nhiên hơn. Tuy nhiên, khuyến cáo rằng người nên chon cách sử dụng ống tele một cách khôn ngoan thay vì tận dụng lợi thế tiếp cận đối tượng từ xa để thực hiện những bức ảnh khó coi.

Với chiều dài tiêu cự lớn, ống kính tele còn được ứng dụng trong chụp ảnh chân dung hay thời trang vì ít bị méo hình, khả năng xóa phông bằng tiêu cự giúp tăng độ tập trung vào chủ thể cần chủ. Đặc biệt, ống kính telephoto zoom cũng tỏ ra rất hữu dụng trong thể loại ảnh phong cảnh nếu người chụp nắm rõ các quy tắc về luật xa gần.

Một số lưu ý khi sử dụng ống kính tele

Đối với những ống kính tele có tiêu cự rất lớn như 200mm, ảnh chụp có khả năng bị nhòe do rung hình cao. Dĩ nhiên là các ống kính tele cũng có những model được trang bị cơ chế ổn định hình ảnh, nhưng với dải tiêu cự quá lớn, tính năng chống rung không thể hoạt động một cách tốt nhất – vì thế, tốt nhất hãy trang bị cho mình một bộ tripod đủ cứng cáp để chịu đựng sức nặng thân máy và ống kính.

 

Ống kính tele cũng là một lựa chọn tốt cho ảnh phong cảnh. Ảnh: digital-photography-school.

Khác với các ống kính tiêu cự ngắn, mọi chuyển động/tác động lên thân máy sử dụng ống telephoto/super telephoto lens đều được phóng đại. Ngay cả lực tác động hình thành từ việc nhấn nút chụp ảnh tưởng chừng như rất nhỏ cũng có thể làm hình ảnh bị nhòe vì rung dù cho người dùng có sử dụng tripod đi kèm. Để khắc phục, bạn có thể dùng phụ kiện dây bấm mềm mua riêng vì phụ kiện này cho phép chụp mà không cần nhấn nút shutter release trên thân máy.

Với những ống kính tiêu cự từ lớn đến rất lớn có hỗ trợ chống rung, một khi sử dụng chân máy, người dùng nên tắt tính năng này đi vừa giúp tiết kiệm pin, vừa tăng hiệu quả chống rung hình ảnh.

Như đã nói từ đầu, ống kính tele luôn được trang bị những thành phần quang học đặc biệt để kéo hình ảnh từ xa lại gần. Cũng chính vì điều này mà loại ống kính này thường gây ra hiệu ứng telephoto effect - biến những vật thể ở xa gần như phẳng (tiền cảnh gần như phẳng với hậu cảnh), khó có thể xác định một khoảng cách cụ thể. Tuy nhiên, trong nhiếp ảnh, hiệu ứng telephoto effect hay còn gọi là kỹ thuật làm phẳng hình ảnh đôi khi lại mang lại cho bức ảnh những cảm xúc đặc biệt vì khoảng cách giữa tiền cảnh và hậu cảnh đã bị rút ngắn hơn so với thực tế.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin liên quan:

10 lời khuyên cho nhiếp ảnh đường phố

Nhiếp ảnh giả tưởng về sự biến mất của nghệ thuật

Khắc họa "giới trẻ thập niên 70" qua lăng kính nhiếp ảnh tuổi 20

Kỹ thuật nhiếp ảnh dưới nước khiến bạn "lác mắt"

 
Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo